Phụ huynh nghi ngại việc nở rộ tiếng Anh liên kết

Phụ huynh nghi ngại việc nở rộ tiếng Anh liên kết

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc trước việc học tiếng Anh theo kiểu "tự nguyện bắt buộc". Còn các chuyên gia giáo dục lại lo ngại về chất lượng của giáo viên từ các trung tâm liên kết và chương trình giảng dạy của các đơn vị này.

Nở rộ dạy Tiếng Anh kiểu liên kết, tăng cường

Theo công văn của sở GD&ĐT Hà Nội về việc "Dạy môn Tiếng Anh trong các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội" đã quy định khối học sinh lớp 1 sẽ thí điểm làm quen với Tiếng Anh với thời lượng 2 tiết mỗi tuần. Chương trình này sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2009 - 2010 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Công văn này cũng "gợi ý" các trường tiểu học tại Hà Nội nên liên kết đào tạo Tiếng Anh với các trung tâm như: Chương trình DynEd của công ty Giáo dục và phát triển E&D Việt Nam; chương trình Phonics - Learning Box UK tại Việt Nam; chương trình tăng cường Tiếng Anh của công ty Language Link Việt Nam.

Mặc dù theo quy định của bộ GD&ĐT thì học sinh lớp 3 mới bắt đầu học Tiếng Anh, nhưng sở GD&ĐT Hà Nội đã "vượt rào" khi cho học sinh lớp 1 học ngoại ngữ. Việc sở "bật đèn xanh" để các trường liên kết với các đối tác bên ngoài tiến hành dạy ngoại ngữ đã tạo cơ hội cho việc nở rộ Tiếng Anh liên kết từ lớp 1.

Xã hội - Phụ huynh nghi ngại việc nở rộ tiếng Anh liên kết

Nở rộ chương trình học Tiếng Anh liên kết.

Theo khảo sát của PV trên địa bàn TP.Hà Nội, có rất nhiều trường tiểu học tại các quận đang triển khai thực hiện chương trình Tiếng Anh liên kết. Một số quận nội thành như Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng cho tới các huyện như Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất... đang tích cực triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết, tăng cường cho học sinh tiểu học.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, hiệu trưởng trường tiểu học Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội) cho biết, trường đã thực hiện chương trình Tiếng Anh liên kết được 5 năm nay. Đối tác là công ty cổ phần giáo dục Việt Nam với chương trình Tiếng Anh Phonics. Vị hiệu trưởng này cũng cho biết, qua 5 năm liên kết đào tạo với Phonics, chưa thấy phụ huynh nào phản ánh về chất lượng đào tạo của đơn vị này. Các học sinh cũng tỏ ra hứng thú khi học Tiếng Anh.

Bà Lan cũng cho biết thêm, trên địa bàn quận Đống Đa, ngoài trường tiểu học Khương Thượng còn có khá nhiều đơn vị khác cũng triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết. Ngoài đối tượng là học sinh lớp 3, 4, 5, các trường cũng triển khai đối với học sinh lớp 1 với số tiết học ít hơn. Tuy nhiên, mỗi trường chọn một đối tác khác nhau, không phải trường nào cũng chọn Phonics.

Khảo sát từ phụ huynh học sinh trường tiểu học Khương Trung (Thanh Xuân - Hà Nội), trường tiểu học Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), nhiều người cho hay, mỗi tháng họ phải đóng thêm tiền học ngoại ngữ cho các chương trình Tiếng Anh liên kết giữa nhà trường với trung tâm như Phonics, DynEd...

Liên quan đến việc triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết, ông Nguyễn Văn Phương, trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, dù là đơn vị ngoại thành, học sinh chủ yếu là con em của nông dân, công nhân, người lao động nhưng cũng có nhiều trường tiểu học trên địa bàn đang triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết.

"Chúng tôi triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết theo công văn hướng dẫn của sở GD&ĐT TP.Hà Nội. Để đảm bảo chất lượng, hiện nay chúng tôi mới tiến hành triển khai thí điểm chứ chưa thực hiện đại trà. Vì mới thực hiện nên chưa thể khẳng định được hiệu quả của chương trình này như thế nào", ông Phương chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Tiến, trưởng phòng Giáo dục tiểu học (sở GD&ĐT TP.Hà Nội) thừa nhận, hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 400 trường tiểu học đang thực hiện chương trình Tiếng Anh liên kết với các trung tâm như DynEd, Phonics, Leguage Link...

Xã hội - Phụ huynh nghi ngại việc nở rộ tiếng Anh liên kết (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội).

Lo ngại chất lượng giáo viên trung tâm

Qua quá trình triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết, tăng cường giữa các trường tiểu học với các trung tâm ngoại ngữ, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại về chất lượng của giáo viên trung tâm. Trao đổi với PV, nhiều người cho rằng, họ thực sự "hoảng hốt" khi thấy con, em mình dù được học Tiếng Anh từ lớp 1 nhưng lại phát âm sai.

"Hôm nọ thấy cháu phát âm sai, tôi hỏi thì cháu bảo cô giáo dạy như thế. Khi nghe cháu nói như vậy tôi thật sự sốc. Bởi chúng tôi phải bỏ ra khá nhiều tiền để con được học các chương trình liên kết của nhà trường. Nếu không đăng ký học liên kết Tiếng Anh thì nhà trường sẽ chuyển con học lớp khác. Tuy nhiên, nếu học mà giáo viên phát âm sai thì thật nguy hiểm", anh Kiên, có con học tại trường tiểu học Trung Văn (Từ Liêm - Hà Nội) bức xúc cho biết.

Nói về chất lượng giáo viên của các trung tâm liên kết với trường tiểu học, ông Phạm Xuân Tiến cũng thừa nhận rằng, hiện nay, chưa có một trường đại học nào đào tạo giáo viên Tiếng Anh cho bậc tiểu học, hơn nữa, giáo viên Tiếng Anh dạy tiểu học hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học sinh. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, họ vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội) cho rằng, cá nhân bà không đồng tình với việc tổ chức chương trình Tiếng Anh liên kết như thời gian qua. Bởi vẫn còn những bất cập về học phí, về chất lượng giáo viên và cách triển khai. Bà Thủy cho biết, thời gian qua, ban Văn hóa - Xã hội cũng nhận được nhiều phản ánh của cử tri về việc Hà Nội thực hiện chương trình Tiếng Anh liên kết tại các trường tiểu học.

Đơn vị này đã tiến hành kiểm tra, giám sát và phát hiện bên cạnh những trường đã được các cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm thì nhiều trường không được phép vẫn tổ chức giảng dạy Tiếng Anh liên kết. "Nhiều trường tiểu học xếp 3 tiết học Tiếng Anh vào buổi chiều mà vừa thu tiền học 2 buổi/ngày lại vừa thu tiền Tiếng Anh liên kết. Có trường nói học 2 buổi/ngày thì thời gian học được quy định là 7 tiết/ngày (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết) nhưng thực tế lại thu tiền cả hai loại", bà Nguyễn Thị Thùy nhấn mạnh. Theo bà Thùy, trong kỳ họp HĐND thành phố vào tháng 12 tới, vấn đề Tiếng Anh liên kết sẽ được đưa ra chất vấn.

Rõ ràng, việc học Tiếng Anh đối với học sinh là điều cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, không nhất thiết phải làm mọi cách "ép" các cháu theo học các chương trình mà người lớn đã áp đặt sẵn. Xung quanh chương trình Tiếng Anh tăng cường, liên kết mà Hà Nội đang thực hiện vẫn còn nhiều điều phải làm rõ trong kỳ họp tới của HĐND thành phố. Nhưng đã có nhiều phụ huynh băn khoăn, phải chăng việc cho các trường học Tiếng Anh liên kết sẽ mang đến lợi nhuận cho một số cá nhân, tổ chức?

Lùm xùm câu chuyện giáo viên và vấn đề "tự nguyện bắt buộc"

Không chỉ băn khoăn về chất lượng của giáo viên các trung tâm, lãnh đạo của phòng GD&ĐT một quận nội thành (xin giấu tên - PV) cho rằng, dưới danh nghĩa là liên kết đào tạo nhưng việc các trung tâm vào trường tiểu học dạy Tiếng Anh chẳng khác nào thương mại hóa trường học. "Điều tôi muốn nói là trong khi thành phố đã có định biên giáo viên Tiếng Anh cho các trường tiểu học thì tại sao bộ GD&ĐT không phát triển đội ngũ giáo viên này để dạy cho các cháu mà lại phải thuê các trung tâm Tiếng Anh bên ngoài vào giảng dạy? Điều này là bất hợp lý", vị này nêu ý kiến.

Một điều đáng nói nữa, mặc dù trong công văn hướng dẫn thực hiện chương trình Tiếng Anh liên kết, sở GD&ĐT Hà Nội nêu rõ, chương trình này hoàn toàn tự nguyện giữa phụ huynh với trung tâm. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là chương trình "tự nguyện bắt buộc". Nếu học sinh nào không đăng ký học thì nhà trường sẽ chuyển sang lớp khác. Chính vì thế, nhiều phụ huynh không muốn con em mình bị chuyển lớp nên chấp nhận đóng tiền cho con học Tiếng Anh.

Hồng Dương - Hà Khê