Xã hội hiện đại giải phóng người phụ nữ Á Đông ra khỏi gian bếp phong kiến lạc hậu. Phụ nữ có cơ hội bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có phụ nữ làm lãnh đạo, với tài năng và địa vị mà nam giới phải kiêng nể. Nhưng, thật lạ lùng, người ta hay đặt cho những người phụ nữ thành công ấy câu hỏi: Chị làm thế nào để vẹn toàn việc nước việc nhà?
Truyền thông về tiêu chuẩn kép “giỏi việc nước đảm việc nhà” của phụ nữ Việt đủ lâu và đủ mạnh để người ta hoàn toàn không tư duy về sự vô lý, bất công và định kiến giới ẩn chứa trong thông điệp ấy. Tại sao đàn ông không được yêu cầu giỏi việc nước đảm việc nhà mà lại là phụ nữ? Tại sao phụ nữ đã giỏi việc nước lại còn phải đảm việc nhà hay đã đảm việc nhà còn phải giỏi việc nước? Nếu phụ nữ chỉ giỏi việc nước thì sao? – Lẽ nào cô ấy không hoàn thành nhiệm vụ của người vợ người mẹ? Nếu phụ nữ chỉ đảm việc nhà thì sao? – Lẽ nào cô ấy không có tự chủ trong cuộc sống, ăn bám, lệ thuộc vào chồng?
Vậy chẳng phải, cuộc chiến nữ quyền giải phóng phụ nữ thực chất là tăng gấp đôi gánh nặng cho phụ nữ? Rốt cuộc, phụ nữ cũng không thoát được ra khỏi gian bếp, song đồng thời cũng không được quyền chuyên tâm cho gian bếp của mình. Họ buộc phải làm tốt cả hai mới được xã hội thừa nhận.
Kết quả là, người phụ nữ hiện đại phải gồng mình lên với đôi quang gánh việc nước - việc nhà. Họ không cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Họ cảm thấy có lỗi nếu không nấu được bữa sáng cho chồng con. Họ tự ti bản thân kém cỏi nếu sự nghiệp không thành đạt, tiền bạc không kiếm được nhiều. Rồi chưa kể họ thường trực nỗi mặc cảm khi chưa đủ đẹp, chưa đủ gầy, chưa đủ hấp dẫn vì nghe đâu muốn giữ chồng thì còn phải đẹp từ tâm hồn tới cái váy ngủ. Cứ thế, ngày 8-10 tiếng lao tâm với công việc, người phụ nữ hiện đại còn phải khổ tứ với những nhiệm vụ đàn bà thường nhật như “tối nay ăn gì” và “mẹ Việt cùng con bước ra thế giới”.
Như vậy, không ít người phụ nữ hiện đại bỗng dưng biến thành cái cây treo đồ, trách nhiệm nào cũng bị quàng lên, nhiệm vụ nào cũng phải gánh tải, đã thế lại phải luôn bền đẹp. Trong lúc đấy, những người đàn ông chưa giỏi việc nước lắm vẫn vô tư nằm duỗi chân trên sofa cầm điện thoại chờ tới giờ vợ gọi cơm. Chẳng ai phán xét anh ấy nếu không đi chợ, lau nhà, rửa bát, đón con, dạy con. Cũng chẳng ai dạy anh ấy phải tiết chế nhậu nhẹt, phải chăm chỉ thể thao để thân hình khỏe mạnh, cường tráng. Càng không ai nhắc nhở anh ấy phải tìm tòi, học hỏi cách chiều phụ nữ để giữ vợ trước muôn vàn cám dỗ của thế giới ngoài kia. Chỉ đơn giản vì: Anh ấy là đàn ông.
Công cuộc giải phóng phụ nữ, đấu tranh cho bình đẳng giới sẽ còn giậm chân tại chỗ vì 6 chữ “giỏi việc nước đảm việc nhà” một cách đầy “xiềng xích”. Thực trạng ấy cũng bởi vì, chính bản thân những người đàn bà tự ràng buộc mình vào tiêu chuẩn kép, tự gây áp lực cho bản thân về sự hoàn hảo. Không ai nói với họ rằng: Chúa Trời tạo ra họ là phái yếu, thiên chức của họ là chỉ cần làm tốt một việc mà thôi!
Hồng Hà