Vợ và chị em gái của đa số tuyển thủ UAE được phép đi theo sang Bahrain để du lịch khi cúp vùng Vịnh diễn ra, nhưng trên thực tế là đến sân vận động để cổ động bóng đá. Đấy là hình ảnh đặc biệt thú vị của giải đấu này, nó khiến dư luận khắp châu Á và thế giới nghĩ đến một cuộc cách mạng thực sự của phụ nữ khối Ả rập đối với môn thể thao vua như bóng đá.
UAE vô địch giải đấu khu vực một cách thuyết phục, và HLV Mahdi Ali khẳng định sự động viên từ khán đài của các nữ CĐV đã tiếp thêm sức mạnh cho các học trò của ông đá để hướng đến chiến thắng. “Có cầu thủ bảo với tôi rằng họ gắng sức đến cùng vì sự hiện diện của vợ và em gái trên khán đài. Tôi cho rằng đấy là sự kiện lịch sử, bởi lẽ phụ nữ Ả rập thường ít khi xuất hiện ở những nơi sôi nổi như thế này, đối với bóng đá lại càng không. Họ là cầu thủ thứ 12 đúng nghĩa và đã giúp đội tuyển UAE đi đến chiến thắng cuối cùng”, ông Ali bày tỏ.

Thực ra, chưa hẳn các phụ nữ Ả rập ngày nay đều được phép đến SVĐ để cổ động cho bóng đá, vì sự hà khắc của truyền thống vẫn chưa được cởi bỏ hẳn. Chỉ có những phụ nữ cấp tiến và muốn tạo nên một cuộc thay đổi thực sự mới dám làm điều đó.
Cô Aysha Al Kaabi (21 tuổi) - sinh viên của Trường ĐH Zayed ở Abu Dhabi - bày tỏ: “Tôi có hiểu bóng đá không ư? Chắc chắn là có rồi, vì tôi mê nó. Tôi xem bóng đá mỗi khi rảnh rỗi, khi trực tiếp trên khán đài, khi qua truyền hình. Vấn đề là xem bóng đá giúp tôi giải tỏa được sự căng thẳng sau những giờ học. Đấy có thể coi như một cách xả stress hoàn hảo”.
Al Kaabi thừa nhận cô rất hào hứng khi xem các giải bóng đá châu Âu và cả Pro League - giải chuyên nghiệp ở UAE. “Cả gia đình chứ không riêng gì cá nhân tôi đều thích xem bóng đá. Họ đều là CĐV cuồng nhiệt của môn thể thao này. Vì thế, đừng ngạc nhiên khi biết rằng nhà tôi luôn náo động khi tập trung xem bóng đá qua truyền hình”, Al Kaabi tiết lộ thêm.
Tất nhiên, khi trào lưu xem bóng đá ở SVĐ vẫn chưa phổ biến tại UAE, Al Kaabi và những người bạn gái mê bóng đá chỉ thỉnh thoảng mới đến sân, còn dành thời gian thưởng thức nó ở nhà, qua màn hình ti vi. Thậm chí, vì rất hiểu bóng đá, Al Kaabi còn là người giải thích cho bạn bè những nguyên tắc, điều luật của môn chơi này. “Tôi cho rằng phụ nữ thích xem bóng đá nên coi là điều bình thường”, cô sinh viên này kết luận.
Bạn của Al Kaabi, cô Aisha Ahmed (22 tuổi) có sở thích chiêm ngưỡng bóng đá qua truyền hình và cô ví “các cầu thủ như làm xiếc với trái bóng bằng đôi chân và họ là những nhà ảo thuật thực sự”. Ahmed gần như không bỏ lỡ trận đấu nào của giải Pro League 2 mùa gần đây. “Tôi không thích đến SVĐ vì dư luận không muốn nhìn thấy chúng tôi ở đó. Tôi có cách khác để thỏa mãn đam mê của mình, đấy là qua truyền hình”, Aisha Ahmed khẳng định.
Không chỉ dừng ở mức thưởng lãm bóng đá, một phụ nữ trẻ ở UAE còn hy vọng một ngày không xa họ sẽ được chơi bóng đá trên sân cỏ giống như nhiều người khác. Shaikha Saif (17 tuổi) là một thí dụ. Cô gái này mong được trở thành cầu thủ bóng đá, dù thừa hiểu không dễ để thoát khỏi những quy chuẩn văn hóa đối với phụ nữ Ả rập: “Nếu sau này lấy chồng, tôi sẽ có một thỏa thuận với anh ta, rằng ngoài cuộc sống gia đình, tôi còn niềm đam mê nữa là bóng đá. Và tôi tin chuyện này sẽ sớm thành hiện thực vì rõ ràng phụ nữ có thể làm được những điều kỳ diệu”.
Theo Bongda.com.vn