Thực ra thì, thời nào phụ nữ cũng... bí ẩn như nhau. Cánh đàn ông hay nói xấu lén về phụ nữ, nhất là các ông chồng, nhưng khi trước mặt, đối mặt, đều ngoan như... cún. Bọn dám xắn tay áo lên, dám trợn mắt lên, dám... nghênh ngang bỏ đi, nôm na là dám phản kháng ấy, ít lắm, hiếm hơn động vật quý hiếm, hiếm hơn... bò tót thời sách đỏ.
Bọn làm thơ chả hạn, nếu không có phụ nữ, xấu cũng được, bởi Thị Nở đã có Chí Phèo mà, thì chỉ có suốt ngày oặt oẹo uống rượu chứ thơ phú gì nổi. Nếu không có phụ nữ, sao nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có những câu thần thi như này: "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi/ Còn sót lại trên bàn bông cúc tím/ Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi…". Mà chả cứ nhà thơ, ông họa sĩ Vi Quốc Hiệp suốt ngày vẽ chân dung phụ nữ, rất đẹp, ông nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên, một đời chụp nude. Không có phụ nữ làm gì có họ, hay chính xác, họ sống để làm gì?...
Thì mới hôm qua đấy thôi, cả xã hội rần rần lên chuyện tặng quà chị em nhân ngày... 20 tháng 10, nó chỉ là ngày thành lập hội liên hiệp Phụ nữ thôi nhé, mà con tặng mẹ, chồng tặng vợ, học sinh tặng cô giáo và cả... tặng lẫn nhau. Hôm qua phây búc tràn ngập trend quà tặng, đòi quà và... nhắc quà.
Trời ơi, sao phải đợi "ngày" mới tặng, mà không ngày nào cũng tặng đi.
Nhưng cũng có gã đàn ông ki bo, giật mình thảng thốt, có nước nào có "ngày" cho chị em như nước ta không?
Tất nhiên rồi gã này sẽ bị cô lập, sẽ bị coi là người hành tinh khác xuống, là lập dị, là ăn thua, là thiếu khôn ngoan, là liều,... đủ thứ là.
Tôi cũng suýt hỏi thế, thấy thế, bèn nín thít và... viết bài này.
Cách đây cũng lâu lâu, phải gần hai chục năm, có một tờ báo viết hẳn một bài về một cô gái Huế bán báo ở quầy báo bưu điện suốt ngày mặc áo dài, thời mua báo giấy còn phải xếp hàng ấy. Bài báo gây xôn xao dư luận vì mọi người cảm thấy… ngạc nhiên quá, và nhiều người thì thấy một thời đã qua của Huế sống dậy trong mình. Quả là bây giờ kiếm được một cô gái Huế suốt ngày mặc áo dài như thế cũng khó. Người ta mặc vì quy định, vì cưỡng bức nhiều hơn là tự giác, nhiều hơn là tôn vinh một cái đẹp đã định hình hàng trăm năm trong ấn tượng Huế và tâm thức Việt. Cái thời mà các bà các mệ đi bán hàng rong bằng gánh cũng mặc áo dài có vẻ đã lùi về dĩ vãng. Về nông thôn có chăng bây giờ còn gặp cảnh các chị phụ nữ đi ăn kỵ (giỗ) hoặc đám cưới mặc áo dài. Có người vào cúng không mang theo áo dài phải mượn của người vừa cúng xong.
Nhưng may mắn, chiều qua tôi đi bộ thể dục ở quảng trường Pleiku, thấy áo dài phấp phới. Ơn giời nhờ có món... phây, chị em áo dài đi chụp ảnh nuôi phây. Thêm nữa, có phong trào phát động mặc áo dài, chả cứ nữ, cả nam nữa. Bản thân tôi cũng có tới 2 bộ áo dài dù không sống ở Huế. Huế chừ, nam giới mặc áo dài mỗi sáng thứ 2 đầu tuần, ít nhất là ở sở Văn hóa.
Và bây giờ, nói gì nói, phong trào áo dài đã trở lại, ít nhất có cũng cân bằng được với các cô chân dài mà thon mặc quần đùi jean lên sát... mông. Nói cho công bằng, mỗi bên có một cái lý để tồn tại, mỗi loại có một tiêu chí để đẹp. Mà, mặc không đẹp thì mặc làm gì? Có ông ngồi cà phê giọng rất hách: cứ cất hết đàn ông đi xem các bà đẹp với ai, cho ai?
Rất nhiều người lên Tây Nguyên bây giờ cứ đi tìm các cô gái (sơn nữ) ngực trần. Còn đâu ra nữa mà tìm. Con gái Tây Nguyên để ngực trần là có cả một quan niệm đầy duy mĩ và nhân văn chứ không phải thích thì để như nhiều người tưởng thế. Ấy là chỉ các cô gái chưa chồng thì mới để trần, để khoe cái đẹp của cha mẹ, của Giàng ban cho mình. Những khuôn ngực săn chắc, nâu như đồi non, cong vồng lên như sừng sơn dương lấp lóa dưới nắng chiều làm mê mẩn các chàng trai, và không cứ các chàng trai. Ấy là cái đẹp, và phàm là cái đẹp thì phải tôn vinh, mà cách tôn vinh thiết thực nhất là phô ra cho mọi người thưởng thức. Còn khi có chồng rồi, thì một là ngực ấy đã là của chồng, chỉ chồng được hưởng, hai là nó đã nhuốm màu tục lụy, vậy thì mặc áo che lại. Đấy, nó có triết lý hẳn hoi như thế chứ không phải thích thì cứ nồng nỗng mà ra đường. Tất nhiên sau này có một số các bà mẹ để tiện cho con bú thì họ cũng để mặc thế, con cứ trong địu tóm vú mẹ ngậm, mẹ cứ thủng thẳng đi lên nương lên rẫy… Bây giờ thì, các cô gái Tây Nguyên mới lớn lên, cũng trang bị "phụ tùng" hiện đại như người Kinh, chứ không ai còn "tốt đẹp khoe ra" như các thế hệ trước nữa…
Cũng như vậy nữa, các bà các mẹ ta xưa, răng đen váy lĩnh nhai trầu. Thời ấy mà có ai tự nhiên cười để lộ hàm răng "trắng hơn cả trắng" như bây giờ thì quả là một sự kiện phản cảm đến ghê sợ. Cũng như thế chị nào mà quần jean trễ cạp khoe lấp ló cái chíp thì ngang bằng trời sập...
Bây giờ, bằng sự phát triển của nhận thức và cả thực tiễn chứng minh, phụ nữ đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống. Từ giã góc buồng xó bếp, họ bước vào đời sống bằng chính khả năng thực sự của mình, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực, kể cả những việc mà lâu nay cánh mày râu dương dương tự đắc là chỉ mình có thể.
Trong danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam hiện nay, tôi vừa xem thì thấy có tới 2 nữ, là chị Thảo Vietjet và chị Hương Vingroup. Dân mạng giờ hay có câu: "Đừng đùa với chụy". Có những chuyện ở Việt Nam lâu nay chỉ đàn ông làm giờ phụ nữ chơi tốt, như phi công. Việt Nam đã có mấy phi công nữ. Tôi đã có một chuyến bay được ngồi máy bay do một nữ phi công Việt Nam lái. Phấn khởi tới mức, khi máy bay dừng, tiếp viên trưởng chào khách, tôi đã vô thức... vỗ tay hoan hô.
Hiện nay chính phủ Việt Nam đang có 4 phụ nữ là bộ trưởng và tương đương gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang, chưa kể bên Quốc hội và Đảng. Tôi cứ hình dung các chị lúc ở nhà sẽ như thế nào, bếp núc, chồng con, họ hàng nội ngoại. Tất nhiên không phải tất bật quần xăn áo vo, không phải lo cân gạo bó rau, tiền còn hết như một số chị em khác, nhưng chắc cũng chả khác các bà vợ đảm bao nhiêu.
Hình như phụ nữ ngày nay đang có nhiều phẩm chất hơn nam giới. Nếu một công việc như nhau thì người phụ nữ sẽ phải tốn năng lượng nhiều hơn để giải quyết, bởi không chỉ công việc trước mắt, phụ nữ còn có công việc sau lưng, những công việc mà nhiều khi đàn ông không biết hoặc không cáng đáng nổi. Hơn thế nữa, phần quan trọng nhất của phụ nữ, ấy là họ làm đẹp cho đời, làm cho cuộc sống này thi vị hơn thì đàn ông không thể tranh. Bản thân họ vừa là khách thể vừa là chủ thể của cái đẹp, mà cái đẹp, như một tiền nhân đã nói, nó sẽ cứu rỗi thế giới, nó khiến đàn ông... ngoan hơn.
Tất nhiên một thế giới không thể chỉ toàn cái đẹp, nó cần có cái không đẹp để so sánh, để tương phản, và vì thế mà cuộc đời vẫn cần… đàn ông, rất cần. Và, may thế, tôi là đàn ông.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả