Các bài viết trên truyền thông phương Tây gần đây cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ Trung-Nga, mang lại những lợi ích lớn cho giới tinh hoa phương Tây.
Tuy nhiên, chuyên gia Artyom Lukin viết trên RT lại đưa ra quan điểm khác. Ông nhấn mạnh rằng trên thực tế, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa sau thử thách dịch bệnh.
Quan hệ Nga-Trung hục hặc?
Ngay cả trước đại dịch Covid-19, quan hệ Mỹ-Trung vốn đã khó khăn. Dịch bệnh càng làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh địa chính trị giữa siêu cường toàn cầu và thế lực mới nổi đến từ châu Á. Gây chia rẽ đối thủ (Trung Quốc) cùng đối tác chính (Nga) là một chiến thuật chưa bao giờ lỗi thời mà Mỹ thường xuyên sử dụng.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi truyền thông phương Tây đã đẩy mạnh câu chuyện cuộc khủng hoảng nCoV sẽ làm suy yếu nghiêm trọng mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga.
Một trong những ví dụ mới nhất là một bài báo trên tờ Financial Times cho rằng cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa Moscow và Bắc Kinh.
Trên thực tế, có nhiều bằng chứng ủng hộ cho tuyên bố của Financial Times về một vết nứt mới trong mối quan hệ Trung-Nga. Tuy nhiên, có rất ít dấu hiệu đáng kể cho thấy có thái độ “bài Trung” ở Nga hoặc sự phẫn nộ của người Trung Quốc đối với Nga.
Có một sự thật là vào tháng 2, đã có một số sự cố xảy ra ở Moscow khi chính quyền thành phố bắt các công dân Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm các yêu cầu tự cách ly, một động thái đã vấp phải sự phản đối từ Đại sứ quán Trung Quốc.
Mặc dù vậy, đây được coi là hành động cẩn trọng của chính quyền địa phương giữa thời điểm Trung Quốc vẫn là nguồn lây lan virus chính. Đại sứ quán Trung Quốc tại Moscow sau đó thừa nhận rằng những người bị cảnh sát bắt đi đều vi phạm các quy tắc kiểm dịch và ngoài người Trung Quốc còn có người Nga, những người quốc tịch khác.
Khi bắt đầu đại dịch, Nga đã nhanh chóng đình chỉ gần như toàn bộ lưu lượng hành khách với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Nga đã mất nhiều thời gian hơn để đóng cửa biên giới với châu Âu. Điều này được Financial Times trích dẫn như một dấu hiệu cho thấy có sự phân biệt giữa người Trung Quốc so với người châu Âu.
Lời giải thích hợp lý nhất cho sự trì hoãn của Điện Kremlin trong việc tạm dừng hoạt động qua lại với châu Âu là vì EU vốn là điểm đến và dòng chảy thương mại lớn nhất của Nga, vượt xa Trung Quốc.
Khi Chính phủ Nga - giống như hầu hết các chính phủ khác trên toàn thế giới - vẫn đang đánh giá thấp sự nguy hiểm của loại virus mới này, việc cô lập Nga khỏi châu Âu từ sớm sẽ là một lựa chọn cần phải cân nhắc rất lớn.
Nga vẫn là “bạn tốt” sau lưng
Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi dịch bệnh bắt đầu lan nhanh ở Nga, hàng ngàn công dân Trung Quốc, hầu hết là chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhỏ ở Moscow và các thành phố lớn khác, đã vội vã rời đi. Điều này gây ra mối lo ngại ở Bắc Kinh, khiến nước này phải đóng cửa biên giới đất liền với Nga, áp dụng đối với cả các công dân Trung Quốc về nước. Nhưng, điều đó cũng không khiến người Nga cảm thấy phẫn nộ.
Trong khi đó, Trung Quốc thực tế bực tức nhiều hơn với Mỹ và một số đồng minh phương Tây khi luôn đổ lỗi việc gây ra đại dịch Covid-19. Dịch bệnh cũng đã gây tổn thất nặng nề cho Nga. Đất nước này hiện đang ở vị trí thứ 7 trên toàn thế giới khi nói về số ca nhiễm virus. Dịch ở Nga tiếp tục lan rộng, với GDP dự kiến sẽ giảm tới 8%.
Tuy nhiên, nếu Moscow có bất kỳ câu hỏi nào với Trung Quốc về nguồn gốc của nCoV, thì họ sẽ chọn thảo luận một cách bí mật. Điện Kremlin đã có sự ủng hộ từ phía sau Bắc Kinh, khi Tổng thống Vladimir Putin tố cáo những động thái đổ lỗi cho Trung Quốc.
Tương tự như khán giả đại chúng ở phương Tây, các khán giả ở Nga và Trung Quốc thường không quan tâm nhiều đến mối quan hệ của họ với các quốc gia khác lúc này.
Như người dân Nga vùng Viễn Đông, họ không quan tâm liệu virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm Vũ Hán như tuyên bố của của Mỹ hay không. Thay vào đó, họ lo lắng về việc biên giới với Trung Quốc và các nước châu Á khác sẽ đóng cửa trong bao lâu. Vì nhiều doanh nghiệp ở đây - từ cửa hàng lưu niệm đến nhà hàng, trường đại học - phụ thuộc vào người Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản khi lệnh tạm ngừng đối với du lịch quốc tế có thể tàn phá nền kinh tế địa phương.
Những tiên đoán về mối bất hòa sắp xảy ra giữa Nga và Trung Quốc là sự phản ánh khao khát từ giới tinh hoa phương Tây - những người vẫn đang phủ nhận về thực tế của sự liên kết chiến lược Trung-Nga.
Trục Moscow - Bắc Kinh được cho là sẽ vượt qua bài thử nghiệm dịch bệnh dễ dàng. Thậm chí, đồng minh Nga-Trung có thể sẽ còn mạnh hơn nữa sau sự kiện Covid-19.
Đối mặt với một cuộc đối đầu ngày càng tăng với Mỹ, Trung Quốc sẽ cần Nga - người bạn quyền lực lớn duy nhất của nước này. Còn đối với Nga, họ sẽ khó có thể phục hồi kinh tế sau đại dịch trừ khi Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mua năng lượng và các mặt hàng khác.
Mối quan hệ Nga-Trung rất phức tạp và có những bất ổn riêng nhưng hy vọng về việc Moscow và Bắc Kinh sẽ sớm chống lại nhau được cho là rất khó xảy ra.