Tôi là con út, theo như mẹ kể lại thì tôi thuộc diện “cơi nới”, tức là bố mẹ không hề có kế hoạch sinh thêm con nhưng chắc vì trong một lần mất kiểm soát nên tôi mới có cơ hội xuất hiện trên cuộc đời này. Tôi có 3 anh chị nữa, hai người anh trên tôi nhiều hơn tôi cả chục tuổi, còn chị cả nhiều hơn gần 2 con giáp. Không lâu sau khi tôi ra đời thì bố tôi mất, gánh nặng nuôi dạy con cái dồn cả lên vai mẹ tôi.
Bố mẹ tôi đã gây dựng được cơ nghiệp tương đối đồ sồ. Công việc kinh doanh của gia đình rất thuận lợi nên một tay mẹ tôi vẫn có thể nuôi dạy 4 anh em nên người. Vì còn bé nên tôi cũng không biết gia đình giàu có đến mức nào nhưng các anh chị đều có nhà riêng và xe hơi. Hiện tại tôi ở với mẹ cùng một cô giúp việc. Những tưởng rằng gia đình tôi đã viên mãn và mẹ tôi có thể tận hưởng những ngày an nhàn, vui vầy bên con cháu. Thế nhưng, chính khối tài sản của bố mẹ đã tạo ra bi kịch.
Cách đây vài năm, mẹ tôi bị ngã và không thể đi lại được. Có thời điểm, bác sỹ còn tiên lượng xấu, may mắn thay mẹ tôi đều đã vượt qua. Những sóng gió thời thanh xuân đã tiếp thêm cho bà nghị lực để sống tiếp. Sau biến cố đó, các anh chị tôi bắt đầu lo lắng, nhưng không chắc là lo cho mẹ mà là phần thừa kế tài sản của mình. Lúc đó, tôi để ý các anh chị rất hay thường xuyên đến thăm mẹ, tuy nhiên lần nào cũng bị mẹ tôi mắng, đuổi về.
Hóa ra, các anh chị không hề thực tâm đến thăm mẹ mà đến dò hỏi về tài sản của mẹ. Anh chị hỏi xem mẹ có bao nhiêu tiền vàng, bao nhiêu mảnh đất, đã làm di chúc chưa? Các anh chị sợ sau này mẹ không còn minh mẫn hoặc đột ngột ra đi sẽ khiến tài sản bị tổn thất, thiệt thòi cho con cháu. Với những người phương Tây, việc làm di chúc không còn xa lạ nhưng theo văn hóa Á Đông thì việc con cái thúc giục bố mẹ làm thừa kế chưa thực sự được chấp nhận.
Thêm nữa, các anh chị luôn đùn đẩy việc chăm sóc cho tôi và cô giúp việc. Mỗi lần đến thăm, họ đều “nói đạo lý” rất hay nhưng chưa lần nào giúp mẹ thôi vệ sinh cá nhân. Chắc hẳn họ sợ chạm vào người một bà già bệnh tật, không còn thơm tho sạch sẽ. Thậm chí có lần anh thứ ba còn đùn đẩy muốn chị gái cả hoặc anh trưởng nam phải đón mẹ về chăm sóc cho tròn chữ hiếu. Từ lần đó, mâu thuẫn càng trở nên gay gắt, dường như lần nào gặp mặt họ cũng đều cãi nhau.
Và rồi ngày mẹ tôi ra đi cũng đến. Anh chị tôi khóc dữ dội lắm nhưng chỉ khi có khách đến viếng mà thôi. Tôi cảm nhận được sự vui mừng bởi họ nghĩ rằng mình sắp phát tài. Ai cũng háo hức chờ đợi khoảnh khắc luật sư tuyên bố di chúc. Đúng là mẹ tôi có rất nhiều tài sản, trong di chúc mẹ viết rất nhiều với đại ý một đời làm lụng vất vả cũng chỉ là để cho con, cho cháu. Thế nhưng, càng gần ngày ra đi, mẹ càng buồn vì các con đã khiến mẹ suy nghĩ tài sản mới chính là thứ quý giá nhất chứ không phải tình yêu thương.
Cuối cùng, mẹ vẫn chia đều tất cả tài sản cho 4 người con. Nhưng, mẹ chỉ xin lại 20 mét vuông đất để làm nơi thờ cúng. Đau xót thay, mẹ đã dành phần đất này cho cô giúp việc. Cô giúp việc mới là người mẹ tin tưởng nhất chứ không phải bất kỳ đứa con nào. Mẹ đã gửi gắm chuyện hậu sự quan trọng nhất cho một người xa lạ khi mà các con của mẹ chỉ quan tâm đến di sản. Lúc này các anh chị của tôi mới bật khóc, có lẽ họ ân hận nhưng cũng có thể họ chỉ cảm thấy xấu hổ khi chuyện họ bất hiếu đã được công khai.
Xã hội càng hiện đại, con người càng có suy nghĩ thực dụng. Không chỉ những cô gái muốn được gả vào gia đình hào môn để một bước đổi đời, ngay cả các chàng trai cũng vậy. Tôi là một trong số đó. Tôi xuất thân từ một vùng quê nghèo nên rất mặc cảm khi bước chân lên thành phố. Tôi luôn tự ti chỉ là một gã quê mùa, khó lòng mở mày mở mặt trong xã hội bon chen và coi trọng vật chất.
Những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống thường xuyên xuất hiện trong đầu tôi. Thay vì cố gắng học tập, nâng cao bản thân, tôi lại tìm cách tiếp cận những nàng tiểu thư con nhà giàu ăn chơi đua đòi. Những cô gái như vậy cũng rất đáng thương. Họ không có được sự yêu thương, quan tâm đầy đủ từ bố mẹ. Lúc nào họ cũng cảm thấy cô đơn, cần một người chia sẻ, hoặc thậm chí là một người để cho họ trút giận.
Để đạt được mục đích của mình, tôi chấp nhận trở thành một “cái thùng rác”. Tôi chịu đựng tất cả những thói hư tật xấu của cô bạn gái nhà giàu. Ngay cả những lần cô ấy miệt thị tôi, bóc mẽ những toan tính của tôi thì tôi cũng nín nhịn. Tôi chắc mẩm rằng, chỉ cần trở thành chồng của cô ấy, tôi sẽ đổi đời. Không chỉ cung phụng người yêu, cha mẹ cô ấy tôi cũng chẳng khác nào một thằng đầy tớ. Bất kể lúc nào họ cần, tôi cũng đều có mặt, lo toan chu đáo tất cả công việc như một người con trai lớn trong nhà.
Có thể họ đã cảm nhận được sự ngoan ngoãn và biết điều của tôi nên đống ý cho kết hôn. Đám cưới diễn ra thật hoành tráng mà trong mơ tôi cũng không dám nghĩ đến mình sẽ là nhân vật chính. Bạn bè tôi ngỡ ngàng, họ hàng ở quê bị sốc khi tôi đã trở thành con rể của một tỷ phú, một bước lên xe xuống ngựa. Nhiều người không giấu được sự ghen tỵ khi ngay trong buổi tiệc, họ đã buông ra những lời mỉa mai dành cho tôi cũng như bố mẹ.
Những ngày đầu sau đám cưới, cuộc sống không có nhiều biến đổi. Chúng tôi sống trong căn chung cư cao cấp nhưng thuộc sở hữu của bố mẹ vợ. Tôi cũng không được vào làm trong công ty của gia đình. Dù đã nhiều lần đánh tiếng nhưng cả vợ tôi và bố vợ đều phớt lờ. Chính vì thế, tôi vẫn phải kiếm sống bằng thực lực. Chưa dừng lại ở đó, không biết vô tình hay cố ý sắp đặt mà bố mẹ vợ cho tôi biết được kế hoạch để lại thừa kế.
Trong cuộc nói chuyện của họ với luật sư mà tôi nghe lén được, tôi chẳng được nhận bất kỳ một quyền lợi nào. Theo đó, toàn bộ tài sản gồm nhà đất, cổ phần công ty sẽ được chia cho hai cô con gái, đặc biệt họ còn nhấn mạnh đây là tài sản thừa kế, con rể không được hưởng. Thêm nữa, mẹ vợ tôi còn nói đã biết rõ ý đồ của tôi chỉ muốn thừa hưởng gia sản và sẽ tương kế tựu kế, vẫn lợi dụng tôi nhưng sẽ không cho chút tài sản nào. Tôi vừa phẫn uất vừa xấu hổ và không biết sẽ phải cư xử ra sao với gia đình vợ.
Tài sản chung, tài sản riêng giữa vợ chồng luôn là chuyện nhạy cảm. Chắc hẳn trong chúng ta hiếm ai có thể đặt trọn vẹn niềm tin tuyệt đối vào nửa kia của mình. Tôi đã từng chứng kiến không ít trường hợp vợ giấu chồng mua đất, chồng nhờ anh chị em đứng tên bất động sản để tránh việc phải chia cho vợ nếu như sau này ly hôn. Khi biết những câu chuyện đó, tôi chỉ cười và rất nhanh để trôi qua trong đầu.
Thế nhưng tôi lại rơi vào trường hợp còn phức tạp hơn. Gia đình chồng tôi người gốc thành phố. Bố mẹ chồng sở hữu căn nhà gần 30 mét vuông quận lõi Hà Nội. Nhà đã cũ và xuống cấp nên vợ chồng tôi không ở chung cùng ông bà. Không lâu sau khi cưới, chúng tôi đã ở riêng và cho đén bây giờ cũng được gần chục năm. Hai vợ chồng trẻ ở xa trung tâm một chút nhưng gần chỗ làm, hơn nữa còn vì bài toán kinh tế.
Tuy nhiên, khi hai đứa con đã lớn, chúng tôi buộc phải thay đổi. Tôi muốn tận dụng hộ khẩu đẹp của chồng để xin cho con học ở trường tốt trong nội thành. Nếu như vậy, việc đi lại sẽ vô cùng vất vả. Để giải quyết khó khăn này, gia đình chồng tôi gợi ý sẽ xây mới căn nhà cũ của bố mẹ chồng lên 4 tầng, như thế vừa đủ cho cả đại gia đình sinh sống.
Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng tôi đủ khả năng xây nhà nhưng tôi lại được rất nhiều người căn ngăn. Trường hợp hai vợ chồng góp 1 tỷ đồng xây nhà, khoản đóng góp của tôi sẽ là 500 triệu đồng. Nếu như sổ đỏ chỉ đứng tên bố mẹ chồng, sau này khi ông bà mất đi mà không để lại di chúc, tôi sẽ không được quyền lợi nào và nếu như vợ chồng ly hôn, tôi còn mất trắng 500 triệu.
Tôi đã trình bày khúc mắc của mình với chồng nhưng anh gạt phắt đi và không muốn lằng nhằng giấy tờ thủ tục thừa kế. Anh bảo bố mẹ còn đang khỏe bỗng dưng nói chuyện di chúc sẽ là điềm gở. Thậm chí anh còn bảo tôi nhỏ nhen, không tin tưởng chồng và bố mẹ chồng, anh là con một, sau này bố mẹ mất đi ngôi nhà không của vợ chồng mình thì còn của ai. Thế nhưng tôi vẫn không thực sự thoải mái bởi đâu ai biết trước được tương lai sẽ xảy ra chuyện gì. Đây là số tiền tích cóp vất vả nhiều năm mới có được, tôi không thể mạo hiểm mà không có chút giấy tờ đảm bảo nào.
Huyền Anh