Nếu bạn gõ từ khóa “Có nên đi đám cưới người yêu cũ hay không?” vào trang công cụ tìm kiếm Google sẽ ngay lập tức cho ra 53 triệu kết quả trong vòng chưa đầy 1 giây. Từ đó có thể thấy đây là câu chuyện rất nhạy cảm và luôn tạo ra nhiều tranh cãi với giới trẻ. Thế nhưng với riêng cá nhân tôi thì cũng chỉ mất chưa đến 1 giây để có được câu trả lời cho riêng mình. Tất nhiên là tôi sẽ đi, hơn nữa còn xuất hiện với tư cách của một người đặc biệt.
Tôi và người yêu cũ biết nhau từ thời còn học phổ thông ở quê. Chúng tôi đỗ đại học và cùng nhau trải qua nhiều khó khăn khi lên thành phố. Những tháng ngày đó khiến chúng tôi trở nên gắn bó và yêu nhau từ lúc nào không hay. Có thể nói, tôi đã dành cả thanh xuân cho anh và anh cũng vậy. Chúng tôi đã nỗ lực, vượt qua biết bao thử thách nhưng rào cản cuối cùng để đến với nhau thì lại không thể.
Suốt quãng thời gian hơn 5 năm bên nhau, tôi đã được mẹ anh coi như con dâu. Tất cả những sự kiện quan trọng của “nhà trai” tôi đều góp mặt, không chỉ vậy, tôi còn trực tiếp gánh vác công việc như một thành viên chính thức của gia đình. Tưởng chừng như đám cưới của chúng tôi chỉ còn chờ xem ngày để tổ chức nhưng cuối cùng mọi chuyện lại đổ bể theo cách không ai ngờ.
Càng ở gần nhau, chúng tôi càng nhận thấy sự nhàm chán trong mối quan hệ. Chính xác hơn, sự xuất hiện bên cạnh đối phương chỉ như một thói quen chứ không còn cảm xúc của một cặp tình nhân. Tình cảm cứ thế phai nhạt và chúng tôi cũng không có cách nào hâm nóng được. Rồi một hôm, tôi buột miệng hỏi anh có nên chăng tạm dừng mối quan hệ lại như một bài kiểm tra cảm xúc. Anh miễn cưỡng một chút nhưng cũng đồng ý với đề xuất của tôi. Và rồi, chúng tôi chia tay trong vui vẻ.
Như con chim được xổ lồng, chúng tôi đều thấy nhẹ nhõm khi không còn bị gắn chặt với người kia. Chúng tôi được làm những điều mình thích, được tự do mở rộng mối quan hệ và không lâu sau đó, cả hai đều bước vào một cuộc tình mới. Tôi là người lấy chồng trước và anh đón nhận điều đó rất bình thản. Chỉ có mẹ anh là buồn, anh kể lại bà đã khóc rất nhiều, vì ngỡ ngàng, vì tiếc cho một mối tình đẹp của chúng tôi. Ngày tôi lên xe hoa, mẹ anh thậm chí còn gửi tặng tôi một món quà lớn như là vật hồi môn vậy, tự lúc nào, bà đã coi tôi là con gái. Chính vì thế, ngày anh báo sẽ lấy vợ, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm như một thành viên trong gia đình anh.
Tôi đang sống cùng nhà chồng ở thành phố, nên để tiết kiệm thời gian tôi quyết định bắt xe khách đi từ tối hôm trước vì khoảng cách lên đến 200 cây số. Tôi đến nhà anh khi trời đã tương đối khuya, khỏi nói cũng biết mẹ anh vui đến nhường nào. Bà cảm ơn tôi vì đã đến, không phải với tư cách khách mời mà như một người con xa nhà trở về. Cuối cùng, ngày vui của anh đã diễn ra trọn vẹn, không khí rất đầm ấm và tôi cũng cảm nhận được tình cảm thật mà mọi người dành cho mình. Ngay cả cô dâu mới khi biết tôi và anh có thời gian hơn 5 năm yêu nhau cũng không hề tỏ vẻ khó chịu, cô ấy đã hiểu hiện tại chúng tôi là những người bạn vô cùng trong sáng.
Thế nhưng khi trở lại thành phố, chồng tôi đã không thông cảm. Anh ấy vô cùng tức giận khi biết tôi nói dối. Khi đi, tôi chỉ nói là đám cưới bạn thân mà giấu nhẹm chi tiết người yêu cũ. Anh không chấp nhận vợ mình bỏ bê gia đình, đi qua đêm để về dự đám cưới người yêu cũ. Thậm chí anh còn đòi ly hôn vì cho rằng tôi vẫn còn vấn vương tình cũ. Tôi chỉ biết thở dài với cách hành xử giận dỗi trẻ con của chồng.
Chắc hẳn trong chúng ta đều sẽ có một chút hậm hực khi nhắc về người yêu cũ. Thời điểm cầm tấm thiệp mời đám cưới của người cũ trên tay, cảm giác thật khó tả. Có một chút gì đó ngổn ngang rồi ký ức tua nhanh về giai đoạn chia tay khiến cho những suy nghĩ tiêu cực kéo đến. Tôi đã lên mạng tìm hiểu trăm phương ngàn kế để làm sao trở thành tâm điểm trong ngày trọng đại của đối phương. Tôi muốn chiếm sóng, muốn trở thành nhân vật chính chứ không phải cô dâu, chú rể.
Trên mạng xã hội đã xuất hiện không ít video người cũ lên sân khấu hát những bài sầu hận, oán trách tình yêu để phá bĩnh đám cưới. Tuy nhiên tôi lại không đủ dũng khí để làm như vậy, thêm nữa còn có nguy cơ trở thành trò cười cho thiên hạ. Chính vì thế, sau rất nhiều đắn đo, tôi quyết định mình sẽ phải lộng lẫy hơn cả cô dâu cho cả nhà trai phải hối tiếc.
Tôi đã dành hẳn một tuần để chăm sóc sắc đẹp. Tôi đầu tư mạnh tay vào nhan sắc, tôi vào spa để chăm sóc da mặt, rồi thực hiện những liệu pháp cho cơ thể trở nên hấp dẫn hơn. Chưa dừng lại ở đó, tôi cũng đã chọn một bộ váy trắng bồng bềnh chẳng khác nào một cô công chúa. Tôi chắc mẩm, với diện mạo như vậy sẽ làm lu mờ nhân vật chính và cả hôn trường sẽ phải trầm trồ.
Ngày cưới diễn ra, tôi dậy rất sớm sửa soạn, tôi trang điểm thật xinh và hừng hực khí thế thực hiện những kế hoạch đã đặt ra trước đó. Tôi đến từ sớm để tận dụng tối đa thời gian được trưng diện. Những bức hình đầu tiên được đăng tải lên mạng xã hội đã tạo ra lượng tương tác rất lớn. Điều đó càng khiến tôi tự tin sẽ trở thành ngôi sao sáng chói. Thế nhưng thực tế lại quá đỗi phũ phàng, càng đến giờ khai mạc, quan khách đến càng đông thì tôi lại càng bị lu mờ. Trước cả trăm người, tôi như lạc lõng và trở nên nhỏ bé.
Chẳng ai quan tâm đến làn da hay vóc dáng đã được tôi chăm chuốt kỹ lưỡng, cũng chẳng mấy ai để ý đến bộ váy đắt tiền mà tôi đang diện. Thậm chí tôi còn phải nhận về không ít lời mỉa mai từ những người quen cũ, những người đã chứng kiến sự đổ vỡ của mối tính giữa tôi và chú rể: “Hôm nay như cô dâu ý nhỉ, tý nữa lên sân khấu chụp cùng chú rể để ôn lại kỷ niệm chứ hả?”, “Không lấy được người ta nên hôm nay định lộng lẫy hơn cô dâu cho chú rể tiếc chứ gì, cao tay đấy”...
Khi ý đồ đã thất bại, thậm chí còn bị mọi người bóc mẽ, tôi thực sự xấu hổ và chỉ biết cười nhạt cho qua chuyện. Khi đối diện với nhân vật chính, anh cũng chỉ lướt qua tôi, nói với nhau vài câu xã giao chứ cũng chẳng có thời gian ngắm nghía rồi so sánh xem ai đẹp xinh lộng lẫy hơn ai. Tôi cảm nhận rõ sự bẽ bàng và không còn tâm trí nào ở lại dùng tiệc. Tôi đặt nhanh chiếc phong bao mừng cưới vào tay chú rể rồi nhanh chóng ra về.
Câu chuyện mừng cưới luôn là đề tài rất nhạy cảm, mức độ nhiều ít của tiền mừng thông thường sẽ phụ thuộc vào sự thân thiết giữa người mời cưới và người đến dự. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp người cưới trước sẽ ghi sổ mức tiền mà bạn bè mừng rồi sau đó khi đó dịp sẽ mừng lại đúng số tiền như thế. Mặc dù sòng phẳng như vậy nhưng cũng sẽ không tránh khỏi những vấn đề phát sinh vô cùng tế nhị.
Tôi và vợ đã từng không ít lần nảy sinh mâu thuẫn vì câu chuyện mừng đám cưới. Chúng tôi kết hôn sớm so với chúng bạn nên may mắn mời được rất đông người đến dự. Thời điểm đó, phần lớn đám bạn đều là thanh niên độc thân, chưa vướng bận gia đình nên dễ dàng sắp xếp thời gian, công việc để đến chung vui. Thế nhưng, cũng vì thế mà “chất lượng” những chiếc phong bì sẽ không được cao. Thậm chí có đứa vẫn còn đang đi học đại học, phải phụ thuộc kinh tế vào bố mẹ nên chỉ mừng đúng theo tinh thần của ít lòng nhiều.
Ngày đó, chúng tôi cũng không để ý đến vấn đề đó, chỉ biết rằng đám cưới đã thành công trọn vẹn khi rất nhiều bạn bè đến chung vui. Ngày hôm sau khi “kiểm phiếu”, bố mẹ nhắc thì chúng tôi mới biết đến chuyện phải ghi lại danh sách những người đã đến dự và gửi tiền mừng. Tôi thấy việc này không cần thiết nhưng vẫn chiều theo bố mẹ và đến thời điểm hiện tại, tôi càng thấy suy nghĩ trước đây của mình là đúng đắn.
Lúc này, bạn bè của vợ chồng tôi lập gia đình rất nhiều. Tất nhiên chúng tôi đều được mời kèm theo lời “dằn mặt” vui vui: “Không đi coi chừng tụi tao đó bay”. Vợ chồng tôi đều sẵn sàng tham dự vì đây cũng là dịp để bạn bè cũ gặp lại. Thế nhưng khi đến chuyện bỏ phong bì bao nhiêu thì lại nảy sinh mâu thuẫn. Vợ tôi lục lại quyển sổ ghi danh sách năm xưa và chỉ mừng lại đúng số tiền ngày trước bạn bè đã đến dự. Vợ tôi nói như thế là công bằng, không phải suy nghĩ nhiều.
Tuy nhiên tôi lại thấy không ổn chút nào, hoàn cảnh của mấy năm trước với hiện tại đã khác xa nhau rất nhiều. Lúc đó còn thanh niên, chưa công ăn việc làm, ai cũng thiếu thốn nên mức phong bì sẽ phải thấp hơn. Hiện tại phần đông chúng tôi đều đã ổn định cuộc sống, giàu có thì chưa nhưng chắc chắn không khó khăn nên phải điều chỉnh lại. Ngoài ra, giá trị đồng tiền cũng có sự chênh lệch. Nếu vợ chồng tôi mà “trả nợ” đúng như vậy thì chắc chắn cô dâu chú rể sẽ bị thiệt, hơn nữa còn mang tiếng là keo kiệt. Vì thế bất chấp sự cằn nhằn của vợ, tôi vẫn quyết định đến ngày vui của các bạn với một chiếc phong bì đủ để cả đôi bên cùng vui vẻ.
Huyền Anh