PSG. Vũ Quang Hiển: Phổ điểm Lịch sử như vậy là phù hợp

PSG. Vũ Quang Hiển: Phổ điểm Lịch sử như vậy là phù hợp

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 7, 14/07/2018 12:31

Dư luận đang xôn xao khi điểm thi Lịch sử của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 thấp kỷ lục. Tuy nhiên PGS. Vũ Quang Hiển lại khẳng định, đây là kết quả phù hợp.

Liên quan đến việc phổ điểm Lịch sử thấp kỷ lục gây xôn xao dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS. Vũ Quang Hiển, giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn,  để nhìn nhận về vấn đề này.

Góc nhìn khác

“Nhìn phổ điểm Lịch sử năm nay thấp nhất trong các môn là điều rất buồn. Nhưng chúng ta hãy cùng bình tĩnh để nhìn nhận ra rằng đây là kết quả phù hợp", PGS. Vũ Quang Hiển đánh giá.

"Khi mới thi xong, nhiều dự đoán, nhận định chung là: Đề thi khó hơn năm trước, khó đạt điểm tuyệt đối, phần lớn học sinh sẽ đạt từ 5 đến 6 điểm.

PSG. Vũ Quang Hiển: Phổ điểm Lịch sử như vậy là phù hợp

PGS. Vũ Quang Hiển trao đổi với PV.

Khi chấm thi xong và công bố điểm: Có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, bất ngờ vì phổ điểm quá thấp; luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng không có gì bất ngờ.

Luồng ý kiến "bất ngờ" vì cho rằng kết quả không như dự đoán ban đầu - phần lớn từ 5 đến 6 điểm. Còn luồng ý kiến "không bất ngờ" thì cho rằng do phần lớn học sinh biết kết quả thi môn này chỉ để xét tốt nghiệp nên không bỏ công sức học, cốt chỉ tránh điểm liệt (1.0 điểm)" - PGS. Hiển nhận xét.

"Phổ điểm năm nay tập trung ở mức 3.0 đến 3.75. Lý do chính đó là phần lớn học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp, và các em chỉ cần tránh điểm liệt để tập trung thời gian vào những môn tuyển sinh.

Hơn nữa chúng ta dường như bị quên đi đây là kỳ thi kép, trong một bài thi đang thực hiện hai mục tiêu; xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học (ĐH). Giống như cho 1 vận động viên điền kinh chạy thi với 1 người bình thường, trên cùng thời gian, cùng quãng đường. Kết quả, 2 người sẽ chênh lệch lớn", vị PGS. so sánh.

Từ đó ông nhìn nhận: “Xem lại phổ điểm cho thấy, trong số hơn 56 vạn thí sinh dự thi, có hơn 0,1 vạn bài bị điểm liệt. Như thế có gần 56 vạn học sinh đủ điều kiện về điểm để xét tốt nghiệp (hơn 95%). Kết quả này giống như nhiều năm trước. Học sinh thi chỉ xét tốt nghiệp yên tâm chờ nhận bằng.

Số bài đạt 5 đến 10 điểm có khoảng 9 vạn, trong đó số điểm khá, giỏi (7.0 điểm trở lên) là 13.000. Liệu các trường ĐH có tuyển hết 13.000 học sinh?

Chúng ta không biết trong số đó có bao nhiêu học sinh chỉ thi lấy kết quả tốt nghiệp, nhưng chắc chắn các trường, ngành học tốp trên sẽ chỉ tuyển học sinh đạt điểm giỏi (từ 8 trở lên).

"Hiện nay chúng ta đang bị những con số; 83% dưới điểm trung bình, chủ yếu 3,25 điểm…chi phối. Trong khi thực chất đây là kỳ thi kép.

Vì vậy đừng trách các em điểm thấp, vì đó là chiến lược học tập của các em, do các em quyết định. Ta tính trong 20 câu dành cho xét tốt nghiệp (tương đương 100%), các em làm được 3.25 điểm, vậy là xấp xỉ 7 điểm, đâu thể nói là thấp. 

Như vậy, phổ điểm đã thấy là hoàn toàn phù hợp với bản chất của đề thi và mục tiêu học tập của các em”, thầy Hiển nhấn mạnh.

Môn Sử đã không còn vị thế như xưa

Bên cạnh đó, PSG. Vũ Quang Hiển cũng khẳng định, phổ điểm lịch Sử có thấp hơn những môn khác cũng là điều đáng lưu tâm và cần tìm ra giải pháp.

"Nguyên nhân điểm môn Sử thấp không chỉ trong kỳ thi THPT mà trong cả quá trình học là do xã hội đã không còn coi trọng môn Sử như xưa.

Thời điểm còn thi tốt nghiệp trước đây, môn Sử có năm được thi năm không được chọn. Như vậy năm không được chọn nhà trường cũng sẵn sàng bỏ để ưu tiên cho môn học khác. Sự thất thường như vậy cũng làm giảm đáng kể vị thế môn này", thầy Hiển đánh giá.

PSG. Vũ Quang Hiển: Phổ điểm Lịch sử như vậy là phù hợp (Hình 2).

Thầy Hiển khẳng định: "Vị thế của môn Sử hiện nay không được coi trọng"

"Từ đó bản thân các thầy cô tuy không nói ra nhưng trong đầu cũng nghĩ đây là môn phụ, lãnh đạo nhà trường thậm chí đến ba mẹ học sinh cũng coi như vậy.

Nhìn đội ngũ gia sư là rõ, có gia sư Toán, Văn, Ngoại ngữ… chứ không ai làm gia sư Sử. Bản thân thầy cô dạy Sử cũng cảm thấy mình lép vế so với giáo viên môn khác", vị PGS. nhìn nhận.

Về giải pháp ông cho rằng: "Trước hết, vị thế môn học cần được khẳng định không phải bằng lời nói, mà phải bằng những hành động cụ thể. Nếu như lịch sử dân tộc là môn học tạo nền tảng về tri thức lịch sử và văn hóa dân tộc.

Để từ đó xây dựng nên bản chất và bản lĩnh của con người Việt Nam, thì nó không những phải là môn học bắt buộc, mà còn phải là môn thi bắt buộc ở tất cả các bậc học.

Còn nếu chỉ là một môn thông thường, tự chọn thì kết quả kém sẽ không có hồi kết. Đây là vấn đề nhận thức xã hội, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến các cấp quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Ngoài ra chương trình và sách giáo khoa cần có sự đổi mới để tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh. Đây là việc đã, đang làm và phải làm được, cho dù lúc đầu có nhiều khó khăn và không thể hoàn mỹ.

Thầy cô cũng không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực. Đây là nhiệm vụ của thầy và trò. Sẽ có không ít khó khăn nhưng với sự kỳ vọng của xã hội, vẫn phải cố gắng hơn nữa".

 

Theo phổ điểm của bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi THPT Quốc gia 2018, môn Lịch sử có phổ điểm thi thấp kỷ lục.

Cụ thể, trong số 563.013 thí sinh dự thi thì có 468.628 thí sinh có điểm dưới trung bình, chiếm 83,24%. Mức điểm trung bình trên cả nước là 3,79. Số điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25.

Ở môn Sử cũng có đến 1.277 thí sinh bị điểm liệt (dưới 1 điểm), trong đó có 527 thí sinh bị điểm 0.

Đặng Thủy-Thành Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.