Trong Tây du ký của Ngô Thừa Ân, Sa Tăng còn gọi là Sa Ngộ Tĩnh (nghĩa là giác ngộ được tâm thanh tịnh), là tam đồ đệ của Đường Tăng. Sa Tăng thông thạo 18 phép biến hóa thần thông, nếu so sánh với 36 phép thiên cang của Trư Bát Giới và 72 phép địa sát của Tôn Ngộ Không thì Sa Tăng là yếu nhất.
Trong quá trình đi thỉnh kinh cùng sư phụ và các sư huynh, Sa Tăng cũng không thể hiện được nhiều võ lực của mình mà chủ yếu làm công việc khuân vác hành lý. Mỗi lần gặp yêu quái, Sa Tăng cùng sư phụ là những người đầu tiên bị bắt. Sa Tăng được đánh giá là người trung hậu, chất phác, siêng năng và cần mẫn nhất trong 3 đồ đệ của Đường Tăng.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu nói về tội ác thì Sa Tăng xứng đáng là "kẻ giết người" hàng loạt trong số các đồ đệ của Đường Tam Tạng. Tội ác trước khi được cảm hóa của Sa Tăng, trong Tây du ký 1986 không trực tiếp kể lại, cũng chẳng có bất kỳ tập phim tái hiện quá khứ nào, tuy nhiên chỉ cần nghe về sự tích chiếc vòng đeo quanh cổ của Sa Tăng mà ngẫm, hẳn sẽ không ít người phải rùng mình.
Liên quan đến chuỗi vòng này, Sa Tăng từng giải thích với Quan Thế Âm Bồ Tát rằng:
“Ta ở nơi đây đã ăn thịt vô số người, từ trước đến giờ những người đi qua đây đều bị ta ăn thịt. Phàm là đầu lâu còn sót lại, ta đều ném xuống sông Lưu Sa này, và chúng đã chìm hết xuống đáy. Nước con sông này lông ngỗng cũng không thể nổi lên, nhưng kỳ lạ, chỉ có 9 cái đầu lâu của người đi lấy kinh này, là nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không chìm xuống. Ta cho rằng đây là những vật lạ, nên đã lấy dây xâu lại thành một chuỗi vòng đeo lên cổ, để khi rảnh rỗi lấy ra xem”.
Trong Thi thoại Đường Tam Tạng thỉnh kinh được viết trước khi tác phẩm Tây du ký ra đời, Sa Tăng từng nói với Tam Tạng pháp sư: "Dưới cổ ta là những đầu lâu của người mà ta đã từng ăn thịt".
Trong tạp kịch Tây du ký Sa Tăng nói: "Có một tăng nhân, phát nguyện đi đến Tây Thiên thỉnh kinh, nhưng con người làm sao có thể đi qua con sông này? Hắn đã làm tăng 9 đời, cũng đã bị ta ăn thịt 9 lần, 9 chiếc đầu lâu của hắn đã được ta sâu thành chuỗi vòng cổ này".
Hóa ra, những chiếc đầu lâu trên chuỗi vòng cổ đều là đời trước của Đường Tăng. Những kiếp trước, Đường Tăng đã bị Sa Tăng ăn thịt 9 lần, đó là lý do trong Tây du ký thường nói Đường Tăng là Kim Thiền Tử chuyển thế lần thứ 10. Quả thật, tội ác của Sa Tăng không chỉ man rợ theo nghĩa đen mà còn rợn tóc gáy theo nghĩa bóng, càng nghĩ càng ám ảnh, càng tưởng tượng càng rùng mình.
Ngoài ra, xét về thực lực Sa Tăng cũng không hề yếu kém như nhiều người lầm tưởng. Sa Tăng ngày trước vốn giữ chức Quyển Liêm Đại tướng, là chức để coi việc trông rèm cho Ngọc Đế, năm xưa làm vỡ chén lưu ly ở Hội Bàn Đào trong lúc say rượu nên bị đày xuống sông Lưu Sa làm yêu quái.
Trong trận chiến giữa Sa Tăng cùng Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới ở những tập đầu tại sông Lưu Sa, Sa Tăng đã thể hiện bản lĩnh đáng gờm trước nhị vị sư huynh.
Sa Tăng đã có 3 lần giao đấu với Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Lần đầu, Sa Tăng và Bát Giới đấu với nhau hơn 20 hiệp nhưng vẫn không thể phân thắng bại. Lần thứ hai, Bát Giới dụ Sa Tăng tới mép sông, đánh nhau vài hiệp Sa Tăng lại lặn xuống, Bát Giới đuổi theo đánh nhưng không lại.
Đến lần thứ ba, Sa Tăng không ngoi lên bờ nữa mà cứ ở giữa lòng sông, Tôn Ngộ Không thấy vậy bèn bay lên không định đánh lén Sa Tăng nhưng vẫn không thành. Tôn Ngộ Không phải cầu cứu Quan Âm Bồ Tát, Bồ Tát phái Mộc Tra xuống thu phục Sa Ngộ Tĩnh, quy y làm đồ đệ thứ ba của Đường Tăng.
Như vậy cả ba lần giao tranh với hai sư huynh, Sa Tăng đều cho thấy sự ngoan cường của mình. Đến cả Thiên Bồng Nguyên Soái – Trư Bát giới được coi là tay thiện nghệ về đánh thủy mà cũng phải bó tay.
Xét về bản lĩnh chiến đấu, Sa Tăng không thua kém gì Trư Bát Giới và chỉ thua Tôn Ngộ Không khi giao đấu trên cạn.
Quốc Tiệp (t/h)