Quái chiêu lừa “thượng đế” xơi vịt giời rởm

Quái chiêu lừa “thượng đế” xơi vịt giời rởm

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Các loại đặc sản mà gắn với 2 từ tự nhiên vốn được "thượng đế" lắm tiền, nhiều của đua nhau ăn để thưởng thức giá trị của đồng tiền, của ngon vật lạ. Bây giờ là đến mốt ăn vịt giời.

Tuy nhiên, lấy đâu ra lắm vịt giời tự nhiên để làm đặc sản như thế? Vậy là, có rất nhiều chuyện hài hước xung quanh "thượng đế" thưởng thức đặc sản vịt giời.

“Có ai nhìn thấy con vịt giời bao giờ đâu”?!

Chim, cá, hải sản, thú rừng... đã từng là mốt món ăn đặc sản của "thượng đế" nhiều tiền. Vịt giời tự nhiên đã từng là cơn sốt mốt đặc sản đỉnh điểm để rồi bây giờ vào bất cứ nhà hàng nào có hơi hướng sang trọng - tức có phòng riêng, phòng lạnh - cũng có thể gọi một con mốt đặc sản vịt giời tự nhiên.

Có đến 98% "thượng đế" mất rất nhiều tiền nhưng ăn phải đặc sản vịt giời nuôi, có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc là con chim le le

Phải khẳng định rằng, có đến 99% "thượng đế" đi ăn đặc sản vịt giời tự nhiên chưa hề nhìn thấy con vịt giời tự nhiên nó như thế nào? Vịt giời tự nhiên có mỏ màu gì, chân màu gì, to hay nhỏ...

Thế nhưng, đến nhà hàng, các "thượng đế" vẫn cứ gọi: "Cho các món đặc sản của vịt giời" với một thái độ rất tự tin rằng, ta là người am hiểu về vịt giời vô cùng. Thực chất, họ chẳng biết gì cả, họ chỉ nghe rỉ tai nhau, kháo nhau ở bàn nhậu, thế là thành đặc sản, thành mốt ăn của "thượng đế" nhiều tiền lắm của.

"Thượng đế" Tuấn Thuận cho biết: "Tôi đi ăn đặc sản vịt giời cách đây 3 năm rồi. Khi đó còn đắt lắm và mang màu sắc bí hiểm vô cùng. Bởi, các chủ nhà hàng chưa quảng cáo rùm beng như bây giờ. Bởi trong suy nghĩ của nhiều "thượng đế" giàu có, làm ăn kinh tế thì ăn vịt giời sợ lại kinh doanh kiểu vịt giời... Ăn thấy cũng lạ miệng, thế là thành mốt và tự nhiên nhà hàng có thêm một loại thực phẩm nữa hái ra tiền”.

Anh Tuấn cho biết, “Trong nhóm chúng tôi, chưa ai nhìn thấy con vịt giời thực thế nào. Chỉ nghe nói, nó nhỏ hơn vịt nuôi ở nhà, chân có màu đen, mỏ có màu xanh, đen... ăn thịt dai hơn vịt nuôi. Lấy đó làm những đặc trưng để nhận diện đặc sản vịt mà mình đang ăn nó có phải là vịt giời tự nhiên không chứ thực chất chẳng có tiêu chí gì, chẳng biết gì". Không riêng Tuấn Thuận mà nhiều "thượng đế" khác cũng chưa bao giờ và có lẽ cả đời cũng không thể nhìn thấy vịt giời tự nhiên thật, dù chỉ một lần.

Kiếm vịt giời tự nhiên “khó như lên giời”!

Đức Hợp là đầu bếp đã từng được giải thưởng trong cuộc thi ẩm thực toàn quốc, có rất nhiều đầu mối nhập thực phẩm vào cho các nhà hàng, phân tích: Nhà hàng nào cũng rao có món đặc sản vịt giời tự nhiên quanh năm, lấy đâu ra nguyên liệu thế? Vịt giời tự nhiên chỉ có vào giao mùa giữa thu và đông, ở miền trong, khu vực đầm, phá Trung Nam Bộ trở vào.

Năm ngoái, mọi người được chiêm ngưỡng đàn vịt giời tự nhiên về khu vực sông Ba ở tỉnh Phú Yên qua ảnh của các nhà nhiếp ảnh. Sau đó, nó lại đi. Chuyện tìm nó để săn đâu đơn giản. Vậy, lấy đâu ra vịt giời tự nhiên để mà làm đặc sản ở mọi thời điểm trong năm như thế.

Tôi hỏi: "Có nghĩa là các "thượng đế" ăn phải vịt giời "đểu" là phần nhiều"? Anh Hợp khẳng định: Có đến 98% "thượng đế" mất rất nhiều tiền nhưng ăn phải đặc sản vịt giời nuôi, có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc là con chim le le. Theo anh Hợp, con chim le le có hình dáng giống con vịt giời tự nhiên, nó cũng nhỏ, nhẹ và thịt chắc như vậy. Con chim le le có chân đen, mỏ đen, thậm chí có cả mỏ xanh đen... rất giống cách "nhận diện" về vịt giời tự nhiên của khách hàng.

Đàn vịt giời "xịn" xuất hiện tại sông Ba - Phú Yên

Anh Hợp cho biết: "Muốn biết vịt giời "xịn" hay dởm thì dựa vào các đặc điểm sau: Mỏ màu vàng hoặc màu xanh đen; da cổ màu trắng; ăn thịt dai, đậm, chắc và có vị ngọt... Hiện tại các nhà hàng quảng cáo vịt giời tự nhiên phần lớn đều không có cơ sở. Phần lớn, nó có xuất xứ từ vịt giời nuôi ở Trung Quốc. Kiếm được một con vịt giời tự nhiên khó như lên giời vậy".

Theo Văn Vĩnh, bếp trưởng của một chuỗi nhà hàng về ẩm thực gia cầm ở Hải Phòng, thì vịt giời tự nhiên là đặc sản đúng nghĩa nhưng không phải thời điểm nào trong năm cũng có được. Giá cũng rất mắc, đúng là món đặc sản dành cho "thượng đế" nhiều tiền.

Vĩnh cho biết: "Bây giờ toàn là vịt giời nuôi. Nhiều thực khách nhầm vịt giời với con chim le le. Vịt giời có 2 loại mỏ. Mỏ màu xanh, đầu màu xanh là vịt không chất lượng. Loại này nhà hàng nhập vào chỉ 130.000 đồng - 150.000 đồng/con. Sau khi vặt lông, con vịt này có trọng lượng từ 6-7 lạng và được bán với giá 750.000 đồng - 850.000 đồng/con.

Loại vịt mỏ vàng, phần da của cổ màu trắng là vịt giời thật (nhưng vịt giời nuôi), trọng lượng 6-8 lạng sau khi đã chế biến, nhà hàng nhập là 230.000 đồng/con, bán ra là 1 triệu đồng/con hoặc hơn".

Chân vịt không phải là đặc trưng để phân biệt vịt giời với vịt nhà nuôi hay là loại gia cầm khác. Cả Hợp và Vĩnh đều khẳng định rằng: "Chuỗi nhà hàng mà tôi phụ trách, một năm cố gắng lắm cũng chỉ kiếm được vài ba con vịt giời tự nhiên, để lại để ăn với nhau, lấy đâu hàng mà bán".

Hợp và Vĩnh khẳng định như đinh đóng cột, vịt giời nuôi được như vịt nhà. Kiếm được con vịt giời tự nhiên nào, bếp trưởng như Hợp và Vĩnh đều có kế hoạch với nó hết. “Tất nhiên là đắt nhưng ăn rất ngon, cũng phải thưởng thức chứ”, Hợp nói.

Nguyên Hằng

Tag: le le