Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, không ủng hộ việc cấm thị thực với toàn bộ người dân Nga. Ảnh: Archivo
Ngoại trưởng các nước EU nhiều khả năng sẽ không nhất trí ủng hộ một lệnh cấm thị thực đối với toàn bộ người Nga trong cuộc họp hội nghị không chính thức ở Praha (Cộng hòa Séc) trong 2 ngày 30-31/8, theo ông Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại.
"Tôi không nghĩ rằng cắt đứt mối quan hệ với người dân Nga sẽ mang lại lợi ích và tôi cũng không nghĩ rằng ý tưởng này sẽ nhận được sự đồng thuận cần có", ông Borrell - người chủ trì cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên - nói với truyền thông Áo hôm 28/8.
"Tôi cho rằng, chúng ta nên xem xét lại việc một số người Nga có thể được cấp thị thực, đặc biệt là những quan chức đứng đầu. Chúng ta cần phải chọn lọc hơn. Và tôi khẳng định lại là tôi không ủng hộ việc ngừng cấp thị thực cho toàn bộ người Nga", vị quan chức hàng đầu của EU nói thêm.
Ngoại trưởng các nước EU cần đạt được một mức độ đồng thuận cần có để lệnh cấm thị thực với người Nga có hiệu lực. Nếu xảy ra, động thái này sẽ khiến việc đi lại của người Nga ở châu Âu gặp khó khăn và tốn kém hơn đáng kể, theo Al Jazeera.
Hôm 25/8, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, viết trên Telegram rằng, nếu cấm du khách Nga, EU có thể hứng chịu thiệt hại khoảng 21 tỷ euro.
Theo ông Volodin, du khách Nga vẫn còn nhiều nơi khác ngoài EU để tới du lịch. Ngoài ra, ông Volodin còn cho biết tiềm năng của du lịch trong nước.
“Nước Nga có rất nhiều cảnh đẹp. Chúng ta cần tạo điều kiện cho du lịch trong nước”, ông Volodin cho biết.
Đầu tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước phương Tây từ chối cấp thị thực cho khách du lịch Nga. Moscow cho rằng những đề xuất kiểu này sẽ chỉ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến những bên có liên quan.
Ngày 22/8, Mỹ đã từ chối đề nghị của Ukraine về cấm hoàn toàn việc cấp thị thực cho công dân Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý, cần phân biệt giữa hành động của chính phủ một nước và hành động của người dân nước đó. Đây là lí do vì sao Washington từ chối đề nghị của Kiev.
Tới nay, có một số nước châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Điển, Cộng hòa Síp đã từ chối ủng hộ ý tưởng cấm thị thực với người Nga trên toàn EU.
Trong 2 ngày 30-31/8, Ngoại trưởng các nước EU dự kiến họp hội nghị không chính thức tại Cộng hòa Séc để xem xét kiến nghị của một số nước Baltic và Phần Lan về việc cấm thị thực ngắn hạn với người Nga.
Nguyễn Thái - Al Jazeera