Đạn chùm của Mỹ được thiết kế để sử dụng với các hệ thống pháo.
Quan chức Mỹ cho rằng đạn chùm cỡ 155mm có thể giúp Ukraine đối phó ưu thế "về nhân lực, thiết giáp và pháo binh của Nga".
"Các chuyên gia quân sự chúng tôi xác nhận rằng đạn cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) sẽ có ích cho Ukraine, đặc biệt trong việc loại bỏ các chiến hào Nga ở tiền tuyến", Laura Cooper, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề Nga và Ukraine, nói trong phiên điều trần trước Quốc hội vào ngày 22/6.
Bà Cooper nói Nhà Trắng chưa thể cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine vì quy định hạn chế hiện hành, cũng như các mối quan ngại khác.
DPICM là loại đạn chùm có tầm sát thương trên diện rộng. Sau khi khai hỏa, đạn chùm sẽ phóng ra vô số quả bom nhỏ, được thiết kế để sát thương cho cả người lẫn các loại xe thiết giáp.
Tuy nhiên, những quả bom nhỏ chưa được kích nổ sẽ tồn tại trong khu vực trong hàng thập kỷ, kể cả khi giao tranh đã kết thúc, tiềm ẩn nguy cơ gây thương vong cho dân thường. Hơn 120 quốc gia trên thế giới đã ký hiệp ước cấm sử dụng đạn chùm.
Trong khi Washington chưa tham gia Công ước quốc tế về đạn chùm, Quốc hội Mỹ năm 2009 đã thông qua luật cấm xuất khẩu loại vũ khí này.
Lệnh cấm ngăn Mỹ chuyển đạn chùm cho quân đội Ukraine, nhưng Tổng thống Joe Biden có thể ký sắc lệnh hủy bỏ hạn chế vào bất cứ lúc nào.
Một số nghị sĩ Mỹ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Nhà Trắng dỡ bỏ hạn chế về đạn chùm, trong khi số khác bày tỏ sự thận trọng, nói rằng đây là vấn đề nên được cân nhắc thêm.
Hiện tại, Mỹ chưa ấn định thời điểm xem xét cung cấp đạn chùm cho Ukraine. Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm kéo dài xung đột, trong khi không ngăn Moscow đạt mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Nói về khả năng Mỹ cung cấp đạn chùm cho Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, động thái này sẽ đánh dấu mức độ leo thang mới và chỉ càng khiến NATO thêm bất ổn.
Đăng Nguyễn - RT