Chưa có bất cứ hệ thống HIMARS nào mà Mỹ cung cấp bị phá hủy ở Ukraine. Đây là thông tin do một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói trên tờ Politico.
"Nga chưa phá hủy bất cứ môt tổ hợp HIMARS nào cho đến nay", một quan chức Lầu Năm Góc cho biết vào cuối tuần trước.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã nhiều lần tuyên bố phá hủy hệ thống HIMARS nhưng không cung cấp video chứng minh. Trong khi đó, Nga đã công bố nhiều video quay cảnh lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp bị phá hủy ở Ukraine.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 20 hệ thống HIMARS trang bị đạn tên lửa dẫn đường GMLRS.
Theo quan chức Mỹ, Ukraine vẫn cần một lượng lớn đạn pháo để chuẩn bị cho các cuộc giao tranh trong tương lai, đặc biệt là ở Kherson.
Hiện tại, quân đội Ukraine sử dụng khoảng 4.000 - 7.000 đạn pháo mỗi ngày, so với Nga là 20.000 đạn pháo/ngày.
Quan chức Mỹ cũng cho biết, Ukraine đã tiếp nhận 4 thêm hệ thống HIMARS và tổng cộng đang vận hành 20 hệ thống trong cuộc xung đột với Nga. Mỹ vẫn cung cấp thường xuyên đạn tên lửa dẫn đường GMLRS để Ukraine sử dụng cho hệ thống HIMARS, nhưng số lượng không được tiết lộ.
Mỹ đã ký hợp đồng với nhà sản xuất Lockheed Martin để cung cấp cho Ukraine thêm 18 xe phóng HIMARS. Đây sẽ là các hệ thống được tập đoàn quốc phòng Mỹ sản xuất mới hoàn toàn và cần ít nhất 6 tháng để chế tạo.
Tháng trước, Lockheed Martin tuyên bố mở rộng dây chuyền sản xuất HIMARS do nhu cầu của các đối tác và cuộc xung đột ở Ukraine. Tập đoàn sản xuất khoảng 60 hệ thống HIMARS mỗi năm và tiến tới tăng lên 96 hệ thống/năm.
Lockheed Martin cũng tập trung sản xuất hệ thống HIMARS và đạn tên lửa GMLRS cho quân đội Mỹ để bù đắp sự thiếu hụt trong kho vũ khí dự trữ.
Năm tới, tập đoàn có thể bắt đầu sản xuất đại trà phiên bản đạn tên lửa GMLRS tăng tầm, với tầm bắn tối đa 150km. Nhưng không rõ loại đạn tên lửa tiên tiến này có được cung cấp cho Ukraine hay không.
Đăng Nguyễn - Politico