Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AP
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có phản ứng gay gắt sau tuyên bố của người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA (thuộc Liên Hợp Quốc) cho rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các nhà máy hạt nhân đều phải "bị cấm".
"Chúng ta có bị cấm tự vệ không?", ông Netanyahu nói trong một cuộc họp nội các ngày 5/3. "Tất nhiên, chúng ta được phép tự vệ và Israel đang làm điều này. Không gì có thể ngăn cản chúng ta bảo vệ đất nước".
Tuyên bố của Thủ tướng Israel được đưa ra một ngày sau khi Tổng giám đốc IAEA Mariano Grossi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ cùng Israel cảnh báo tấn công nếu Iran không kiềm chế chương trình hạt nhân.
"Bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào một cơ sở hạt nhân đều phải bị cấm", ông Grossi nói trong cuộc họp báo ở Tehran sau cuộc gặp với giới chức Iran. Theo Tổng giám đốc IAEA, nguyên tắc này áp dụng với tất cả các cơ sở hạt nhân.
Thủ tướng Israel cho rằng không có nguyên tắc nào như vậy có thể áp dụng với Israel. "Ông Rafael Grossi là một người đáng kính nhưng lại đưa ra bình luận không tương xứng. Luật nào sẽ cấm điều đó? Ai cho phép Iran được bảo vệ vũ khí hủy diệt có thể gây nguy hiểm cho Israel?", ông Netanyahu nói.
Israel bị nghi ngờ thực hiện một loạt vụ tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân và quân sự của Iran, trong đó có vụ tấn công vào cơ sở hạt nhân Natanz, làm hư hỏng các máy ly tâm của cơ sở dưới mặt đất này. Năm 2020, Iran đổ lỗi cho Israel về một cuộc tấn công tinh vi khiến nhà khoa học quân sự hạt nhân hàng đầu của Iran thiệt mạng.
Ngày 3/3, ông Grossi đã tới Iran trong bối cảnh đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 gặp bế tắc. Sau chuyến đi của Tổng giám đốc IAEA, Iran đã đồng ý kết nối lại các camera giám sát tại một số cơ sở hạt nhân của nước này và tăng tốc độ thanh tra.
"Đó không phải những lời nói suông mà là hành động cụ thể", ông Grossi bình luận về động thái của Iran.
Iran phủ nhận tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và cho biết chưa thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để làm giàu uranium vượt quá mức quy định.
Năm 2015, Iran ký một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ cùng một số cường quốc khác, chấp nhận áp đặt các biện pháp hạn chế với ngành công nghiệp hạt nhân của nước này, trong đó có việc làm giàu uranium, nhằm xoa dịu lo ngại về khả năng phát triển đầu đạn hạt nhân.
Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận này năm 2018. Ông Trump khi đó tuyên bố sẽ "gây áp lực tối đa" bằng các lệnh trừng phạt để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Nguyễn Thái - RT, Times of Israel