Mảnh vỡ tên lửa Patriot được các nhà điều tra Nga tìm thấy.
Trả lời tờ New York Times, quan chức Mỹ nói “thông tin tên lửa Patriot được sử dụng để bắn rơi máy bay vận tải Nga là chính xác”.
Đạn tên lửa Patriot được Ukraine sử dụng để bắn rơi máy bay Nga do “một quốc gia châu Âu khác cung cấp”, quan chức Mỹ giấu tên nói, không nêu tên cụ thể quốc gia.
Ngoài Mỹ, Đức và Hà Lan là các quốc gia cung cấp các thành phần hệ thống Patriot, bao gồm đạn tên lửa cho Ukraine.
Quan chức Mỹ nói với tờ New York Times rằng, Ukraine có thể không biết trên máy bay chở tù binh vì Nga cũng thường sử dụng máy bay vận tải Il-76 để chở các hệ thống phòng không.
“Có vẻ như có ít nhất một vài người trên máy bay là tù binh Ukraine. Nhưng Nga có khả năng đã phóng đại số người thiệt mạng”, quan chức Mỹ giấu tên nói, cho biết “bất cứ tổn thất nào về người đều là điều đáng tiếc”.
Ủy Ban Điều tra Nga tuần trước khẳng định tìm thấy mảnh vỡ tên lửa Patriot ở hiện trường vụ rơi máy bay. Nga cũng tuyên bố xác định đầy đủ danh tính của 74 người trên máy bay, bao gồm 65 tù binh Ukraine.
Patriot ban đầu được Mỹ thiết kế làm vũ khí phòng không nhưng được nâng cấp để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Ở thời điểm đó, khả năng đánh chặn thành công của Patriot là không cao. Phiên bản Patriot PAC-3 mới nhất được cải tiến đáng kể khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, trở thành hệ thống phòng không chủ lực ở nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ.
Trong những ngày đầu tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot vào nửa đầu năm 2023, Ukraine chủ yếu bố trí hệ thống này ở thủ đô Kiev.
Nhưng trong vài tháng gần đây, Ukraine đã âm thầm đưa Patriot ra khu vực tiền tuyến ở miền nam và phía đông bắc. Mục đích là gây bất ngờ và nhằm bắn rơi các máy bay có giá trị cao của Nga.
Hôm 15/1, Ukraine tuyên bố “giăng bẫy” bắn rơi máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga bằng tên lửa Patriot. Đây được coi là lần đầu tiên Nga mất một máy bay A-50 trong cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua ở Ukraine.
Đăng Nguyễn - RT