Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin.
Sức ép của EU với Serbia là không thể chấp nhận được và người Serbia cần chấp nhận thực tế là khối EU không muốn đón nhận họ, ông Vulin trả lời trên truyền thông Serbia ngày 15/10, theo RT.
Ông Vulin nói thêm rằng Belgrade nên thúc đẩy quan hệ với "các quốc gia sẵn sàng chấp nhận Serbia mà không gây sức ép", ví dụ như Nga và Trung Quốc.
"Vấn đề không phải là liệu chúng ta có muốn gia nhập EU hay không, mà là liệu EU có muốn kết nạp Serbia hay không", ông Vulin nói trên báo Serbia Novosti. "Dựa trên sức ép của EU với Serbia, tôi cho rằng họ không muốn kết nạp chúng ta. Sớm hay muộn chúng ta chấp nhận điều đó, rằng chúng ta không thuộc về khối này, sẽ là điều tốt hơn".
Serbia là quốc gia có mối quan hệ kinh tế với Nga, chịu sức ép rất lớn khi phương Tây lôi kéo nước này tham gia vào các lệnh trừng phạt Nga.
Theo RT, Nghị viện châu Âu đang cân nhắc đóng băng đàm phán kết nạp Serbia vào EU, do nước này từ chối ủng hộ vòng trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga.
Pháp và Đức cũng đưa ra yêu cầu Serbia công nhận độc lập của vùng ly khai Kosovo để "đẩy nhanh quá trình kết nạp nước này vào khối".
Quan điểm của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và ông Vulin cho đến nay là không chấp nhận yêu cầu này từ EU. Ông Vulin cho rằng, Serbia không thể chấp nhận các yêu cầu gây tổn hại đến uy tín và lợi ích quốc gia.
"Chúng ta nên thúc đẩy quan hệ với Nga, Trung Quốc và các nước khác không gây sức ép và đặt điều kiện cho tương lai của Serbia", ông Vulin nói. "Tôi tin rằng mối quan hệ với Nga là điều rất quan trọng".
Trong cuộc khảo sát hồi tháng 3 năm nay, 61% người Serbia phản đối hợp tác với NATO, do liên minh quân sự này ủng hộ Kosovo độc lập.
EU đã cấp quy chế ứng viên cho Serbia vào năm 2009, nhưng quá trình đàm phán để chính thức kết nạp quốc gia này vẫn đang bế tắc.
Mô tả về gói trừng phạt mới của EU nhằm vào dầu mỏ Nga, ông Vulin nói Serbia sẽ bị tổn thất hàng trăm triệu euro. "Đây là gói trừng phạt đầu tiên của EU gây tác động tiêu cực đến Serbia", ông Vulin nhấn mạnh.
Quốc gia láng giềng Hungary phản ứng bằng cách thông báo xây dựng đường ống dẫn dầu mới để giúp Serbia có thêm nguồn cung dầu thô từ Nga.
Đăng Nguyễn - RT