Xe tăng Ukraine hoạt động ở vùng Donbass vào ngày 7/11/2023.
Theo RT, ông Budanov cũng đề cập đến việc xung đột còn kéo dài trong nhiều năm. Nga và Ukraine sau đó sẽ phải mất hàng thập kỷ để có thể bình thường hóa quan hệ, ông Budanov nhận định.
Ông Budanov nêu ví dụ về quan hệ giữa Nga và Nhật Bản. Hai quốc gia chưa từng ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến 2 vì lập trường của Tokyo trong vấn đề tranh chấp 4 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril.
Năm 2019, Nga đề xuất ký hiệp ước hòa bình với Nhật Bản trên cơ sở trả lại 2 trong số 4 hòn đảo ở Nam Kuril. Tokyo không chấp nhận đề xuất này vì muốn đòi lại cả 4 hòn đảo.
"Có những trường hợp trong lịch sử khi các cuộc chiến giữa các quốc gia chưa chính thức kết thúc. Ví dụ điển hình là tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Hai nước không ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến 2 vì tranh chấp quần đảo Nam Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc). Vấn đề này đã tổn tại hơn 70 năm", ông Budanov cho biết.
"Đây là lý do tại sao kịch bản như vậy rất có thể lặp lại trong trường hợp của chúng tôi, vì Nga có tham vọng kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine chứ không chỉ bán đảo Crimea", ông Budanov nhận định.
Trong thông điệp mới nhất, không rõ ông Budanov có ám chỉ cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine có thể rơi vào trạng thái đóng băng hay không.
Tháng 8/2023, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, từng khẳng định "mục tiêu của Ukraine là buộc Nga phải trả lại vô điều kiện các vùng lãnh thổ kiểm soát và Kiev không chấp nhận kịch bản đóng băng xung đột".
Đóng băng xung đột là giải pháp Nga và Ukraine tạm thời ngừng bắn và giới tuyến giao tranh có thể được coi là đường biên giới tạm thời.
Tuy nhiên, Nga luôn khẳng định không chấp nhận "đóng băng xung đột" mà sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra.
Đăng Nguyễn - RT