Quan hệ Mỹ - Iran thời vàng son: Phụ nữ Tehran mặc bikini đi biển, tiệc tùng thâu đêm

Thứ 7, 12/07/2025 17:56

Trước năm 1979, hình ảnh phụ nữ Iran mặc bikini, lái xe tự do ở Tehran có thể khiến nhiều người ngày nay sửng sốt. Những hình ảnh ấy gắn liền với thời kỳ thân Mỹ của Tehran, được đánh dấu bằng một cuộc đảo chính có sự can thiệp của CIA.

img

Phụ nữ và nam giới Iran nằm tắm nắng trên mui xe thời vua Pahlavi. Ảnh: Imgur

Từ đồng minh thân thiết đến kẻ thù không đội trời chung, quan hệ Mỹ - Iran là một trong những câu chuyện đầy kịch tính và nghịch lý nhất thời hiện đại. Loạt bài này lần theo những bước ngoặt định mệnh trong mối quan hệ phức tạp giữa 2 nước. Mỗi biến cố là một mắt xích trong mối thù hận kéo dài hơn nửa thế kỷ. Liệu mối quan hệ chìm sâu trong ngờ vực và thù địch này có thể hàn gắn?

Tehran thập niên 70: Như "thành phố của châu Âu" giữa sa mạc

Trong ký ức của nhiều người, Tehran những năm 1970 không khác nào một thành phố của châu Âu phóng khoáng giữa lòng Trung Đông khô cằn.

Trên Ynet News vào tháng 5/2025, bà Shahrzad Shadi (53 tuổi), từng sống ở Iran trong thập niên 70, hồi tưởng: “Iran thời vua Pahlavi chẳng khác gì châu Âu — từ phong cách ăn mặc đến cung cách sống. Mẹ tôi thường tự lái xe, phụ nữ mặc quần ống loe, áo không tay, bốt cao đến gối, và còn nhiều hơn thế nữa".

Lối sống Tây hóa thời đó cũng được bà Miki Turkan Yitzhaknia (63 tuổi), người dân Iran, mô tả sống động: “Chúng tôi sống như người phương Tây thực thụ. Con trai, con gái cùng tuổi tụ tập nhảy nhót trong các hộp đêm, đi xem phim, ăn tối ở nhà hàng, chơi bowling và trượt băng. Phụ nữ Iran thời đó ăn mặc theo tạp chí thời trang, làm tóc và trang điểm như người châu Âu. Paris chính là kim chỉ nam cho gu thẩm mỹ lúc đó".

Bà Eti Goshen (73 tuổi), một công dân Iran khác, kể lại: “Chúng tôi mặc váy ngắn, bikini gợi cảm, bơi ở những hồ bơi nơi nam nữ trẻ tuổi thoải mái hoà mình, tổ chức tiệc xuyên đêm. Tôi lấy bằng lái từ rất sớm và thỏa sức lái xe trên các con phố Tehran".

Mỹ - Anh can thiệp, gây chính biến lớn ở Iran

img

Cựu Thủ tướng Iran Mohammad Mosaddegh. Ảnh: Getty

Văn hóa và lối sống kiểu Tây kể trên không tự nhiên mà có. Theo tờ Guardian và trang All That Interesting, chúng bắt nguồn từ một bước ngoặt chấn động Iran: Cuộc đảo chính năm 1953. 

Bối cảnh lúc bấy giờ là Thủ tướng dân cử Mohammad Mosaddegh thực hiện cải cách "vì người nghèo" và quốc hữu hóa ngành dầu mỏ, khiến Anh mất đi nguồn lợi khổng lồ từ Công ty dầu mỏ Anh - Iran (nay là BP). Quyết định này không chỉ giáng đòn nặng vào lợi ích kinh tế của London, mà còn làm dấy lên lo ngại tại Washington rằng Iran – trong bối cảnh bất ổn – có thể ngả sang phe Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Trước nguy cơ Tehran rời khỏi quỹ đạo phương Tây và ảnh hưởng lan rộng đến toàn bộ khu vực giàu dầu mỏ, Mỹ và Anh đã phối hợp tiến hành một chiến dịch can thiệp bí mật nhằm lật đổ ông Mosaddegh.

Theo Guardian, Cơ quan tình báo Mỹ CIA và Cục tình báo mật Anh MI6 đã phối hợp thực hiện chiến dịch bí mật mang tên "Operation Ajax" (tạm dịch: Chiến dịch Ajax) để lật đổ Thủ tướng Iran Mossadegh.

Chiến dịch này được cho là sử dụng các chiến thuật như tuyên truyền, tài trợ các nhóm chống đối, và kích động biểu tình trên đường phố. Theo trang All That Is Interesting, các hoạt động này đã tạo ra sự hỗn loạn, dẫn đến việc lật đổ Mossadegh vào ngày 19/8/1953. Vua Iran (Shah) Mohammad Reza Pahlavi, người từng phải rời khỏi đất nước trong thời kỳ bất ổn, được khôi phục quyền lực.

Theo Guardian, CIA đã thừa nhận vào năm 2013 và 2023 rằng cuộc đảo chính này là không dân chủ, đánh dấu một ngoại lệ trong chính sách hỗ trợ các chính phủ (được chọn thông qua bầu cử) của Mỹ. Sự kiện này không chỉ củng cố quyền lực của vua Pahlavi mà còn mở ra một kỷ nguyên mới của ảnh hưởng Mỹ tại Iran.

Quan hệ Mỹ - Iran thăng hoa

img

Cựu vương Iran Mohammad Reza Pahlavi. Ảnh: Amongmen

Sau cuộc đảo chính, Mỹ trở thành chỗ dựa vững chắc cho vua Pahlavi. 

Theo Viện Brookings (Mỹ), Washington cung cấp viện trợ kinh tế và kỹ thuật hào phóng, giúp vua Pahlavi củng cố quyền lực và thúc đẩy hiện đại hóa. Cách mạng Trắng, một loạt cải cách trong thập niên 60, được hỗ trợ bởi nguồn lực từ Mỹ, dẫn đến tăng trưởng kinh tế ấn tượng với tốc độ trung bình 9,8% mỗi năm từ 1959 đến 1972. Thương mại song phương đạt khoảng 3 tỷ USD mỗi năm vào thập niên 1970, đặc biệt sau khi giá dầu tăng gấp 4 lần vào năm 1973.

Về an ninh, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và trang bị cho quân đội và lực lượng an ninh Iran. Theo Viện Brookings, vua Pahlavi đã chi hơn 16 tỷ USD để mua vũ khí từ Mỹ trong giai đoạn 1972-1977, bao gồm xe tăng, trực thăng, và các thiết bị quân sự tiên tiến. 

Lực lượng an ninh SAVAK, được đào tạo với sự hỗ trợ của Mỹ, trở thành công cụ trấn áp các phong trào đối lập. Sau khi Anh rút khỏi khu vực vào năm 1971, Iran trở thành trụ cột trong chiến lược an ninh của Mỹ tại vùng Vịnh, đối trọng với Liên Xô và các quốc gia Ả Rập trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ.

Ngành dầu mỏ là một trụ cột khác trong quan hệ song phương. Sau khi lật đổ Thủ tướng Iran Mossadegh, vua Pahlavi khôi phục ảnh hưởng của phương Tây trong ngành dầu mỏ, đảm bảo nguồn cung ổn định cho các đồng minh. 

Theo All That Is Interesting, sự bùng nổ dầu mỏ thập niên 70 càng củng cố vị thế của Iran trên thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời thắt chặt mối quan hệ kinh tế với Mỹ. Tuy nhiên, việc vua Pahlavi giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với ngành dầu mỏ từ các công ty quốc tế cũng gây ra căng thẳng với phương Tây.

Hiện đại hóa và bất mãn

img

Một cặp đôi ăn tối ở thủ đô Tehran thập niên 60. Ảnh: News Dog Media

Chính sách hiện đại hóa của vua Pahlavi, đặc biệt là Cách mạng Trắng, đã thay đổi bộ mặt xã hội Iran. Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, với các thành phố như Tehran trở thành trung tâm của sự hiện đại.

Theo Viện Brookings, sự tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và cải thiện giáo dục, với số lượng sinh viên đại học tăng đáng kể. Phụ nữ được trao quyền bầu cử và tham gia tích cực vào đời sống công cộng, từ lái xe đến làm việc tại các cơ quan nhà nước. Lối sống và cách ăn mặc cũng "thoáng" hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, sự "Tây hóa" và đô thị hóa quá nhanh cũng gây ra nhiều vấn đề.

Theo Viện Brookings, lạm phát, tham nhũng, và bất bình đẳng thu nhập gia tăng, cùng với sự xuất hiện của lao động nước ngoài, đã tạo ra xung đột văn hóa. "Chương trình cải cách của vua Pahlavi vấp phải sự phản đối kịch liệt từ giới tăng lữ, tầng lớp thương nhân và các địa chủ lớn. Họ coi cải cách ruộng đất là sự xâm phạm thu nhập, việc mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ là sự tấn công vào các giá trị của họ...", Viện Brooking nêu.

Theo Ynet News và BBC News, phong cách sống phương Tây, với váy ngắn và các bữa tiệc cả nam và nữ, bị các nhóm bảo thủ coi là sự tha hóa văn hóa Iran và các giá trị Hồi giáo. Sự bất mãn này được thể hiện rõ qua tiếng nói của giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini. Theo Brookings, ông Khomeini chỉ trích vua Pahlavi là “kẻ khốn khổ” và tay sai của Mỹ, kêu gọi lật đổ chế độ quân chủ. 

Ngoài ra, sự trấn áp chính trị của vua Pahlavi, kết hợp với những căng thẳng xã hội, đã tạo điều kiện cho một liên minh giữa các nhà dân tộc chủ nghĩa và giới tăng lữ, dẫn đến một sự kiện chấn động cuối thập niên 70 - không chỉ chấm dứt thời kỳ vàng son của quan hệ Mỹ - Iran mà còn thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội và chính trị của quốc gia Trung Đông.

-----------------------------

Từ chỗ là đồng minh chiến lược, Iran chuyển mình thành kẻ thách thức cứng rắn nhất của Mỹ tại Trung Đông. Tất cả bắt đầu từ một cuộc trở về tưởng như chỉ mang tính biểu tượng – nhưng lại làm sụp đổ toàn bộ chiến lược khu vực của Washington. Cuộc trở về đó là của ai và vì sao lại có thể biến Iran "từ bạn hóa thù" với Mỹ? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo, đăng tối 13/7 để được giải đáp.

Nguyễn Thái - (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.