Theo dự báo, cơn bão số 13, Vamco, có gió mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng tới khu vực miền Trung.
Để chủ động ứng phó với cơn bão này, Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại trụ sở UBND cấp xã, trường học, trung tâm y tế, các công trình kiên cố, những vị trí an toàn…
Đối với các địa bàn, khu vực có nguy cơ bị chia cắt, cô lập khi có mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất, lương thực thực phẩm tích trữ đảm bảo dùng đủ trong 15 ngày trở lên.
Các đơn vị chức năng tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ du các hồ chứa nước để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Đối với các địa phương có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá cần tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu... cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn các trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo như cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn... để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại.
Phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng, chống thiên tai; triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp người dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ người dân nơi khó khăn.
“Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất”, ông Thanh nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch tỉnh cũng lưu ý, các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; tăng cường công tác thông tin đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du biết về công tác vận hành điều tiết hồ để chủ động các phương án ứng phó.
Thời gian qua, ảnh hưởng mưa bão, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều người chết, mất tích và bị thương.
Gần nhất, vào chiều 11/11, tại Km 66+ tuyến đường Quốc lộ 40B, đoạn qua thôn 3 xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, đã xảy ra vụ sạt lở khiến đất làm 1 người bị thương, 1 người mất tích. Đến nay, nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.