Quảng Nam: Vừa lo tái định cư vừa lo di dân vùng sạt lở

Quảng Nam: Vừa lo tái định cư vừa lo di dân vùng sạt lở

Nguyễn Duy Cường

Nguyễn Duy Cường

Thứ 4, 11/11/2020 14:57

Chính quyền địa phương vừa tìm được khu đất để bố trí tái định cư cho người dân ở Trà Leng bị mất nhà sau nhiều vụ sạt lở kinh hoàng.

Đã tìm được khu đất tái định cư

Tỉnh Quảng Nam đang có mưa lớn, nước trên nhiều sông dâng cao. Trong đó, sông Trường và Sông Oa, dâng cao, gây ngập nhiều tuyến đường đi lên 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My.

Hiện đường lên huyện Nam Trà My và các xã thuộc huyện Bắc Trà My gồm Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân hoàn toàn bị cắt đứt.

Tin nhanh - Quảng Nam: Vừa lo tái định cư vừa lo di dân vùng sạt lở

Gian nan đường vào Trà Giáp. 

Vào đêm 10/11, hàng nghìn người dân tại 2 địa phương này đã được di dời khẩn cấp vì có nhà ở địa bàn nguy cơ sạt lở núi. Họ được đưa về trạm y tế, nhà văn hoá thôn…

Ông Thái Trọng Thạch, Chủ tịch UBND xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, cho biết, nhiều đoàn cứu trợ lên 2 huyện này cứu trợ đã bị mắc kẹt tại khu vực khu di tích Nước Oa, xã Trà Tân. Với việc mưa lớn, tình trạng mắc kẹt, cô lập sẽ còn kéo dài.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, chính quyền địa phương đang gấp rút triển khai ổn định cuộc sống cho người dân gặp nạn, mất nhà vì bị sạt lở. Trong thời gian chờ tái định cư, để có chỗ cho người dân sống, sinh hoạt, địa phương dựng nhà tạm. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ được huy động để giúp người dân dựng nhà tạm, tận dụng vật dụng còn sót lại sau vụ sạt lở.  

Tin nhanh - Quảng Nam: Vừa lo tái định cư vừa lo di dân vùng sạt lở (Hình 2).

Nước sông dâng cao, Bắc Trà My và Nam Trà My bị cô lập.

Huyện Nam Trà My đã chọn khu thao trường huấn luyện quân sự trên địa bàn giáp ranh giữa 2 xã Trà Dơn và Trà Leng để bố trí tái định cư cho 15 hộ ở nóc Ông Đề với diện tích 3ha, bố trí 36 hộ tại làng Tăk Pát, thôn 2, ở vị trí cách khu huấn luyện quân sự 200m.

Theo ông Dũng, qua khảo sát, Thiếu tướng Hứa Văn Tưởng thống nhất với phương án của địa phương và đề nghị huyện Nam Trà My nhanh chóng lên sơ đồ, phương án làm nhà cho dân.

Ngoài ra, Quân khu 5 sẽ hỗ trợ việc xây dựng nhà và chủ động xây 1 nhà truyền thống cho người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, kết hợp phòng tránh lũ và sạt lở đất tại khu tái định cư cho người dân nóc ông Đề.

Lại di dân, đối phó mưa bão

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, do ảnh hưởng bão số 12, mưa lớn xuất hiện trên nhiều vùng núi tại địa phương. Bên cạnh đó, bão số 13 cũng nối tiếp nên mưa to, gió lớn sẽ còn kéo dài đến tuần sau. Nguy cơ sạt lở tại các huyện miền núi là rất cao.

Do đó, ông đã yêu cầu lãnh đạo 9 huyện miền núi khẩn trương sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở núi, lũ quét theo kế hoạch. Theo báo cáo sơ bộ, chiều 10/11, UBND huyện Nam Trà My sơ tán khẩn cấp khoảng 400 hộ với gần 1.600 người dân ở các thôn thuộc xã Trà Mai. Ngoài ra, 204 hộ với 612 người dân ở xã Trà Leng cũng được di dời đến nơi an toàn.

Tin nhanh - Quảng Nam: Vừa lo tái định cư vừa lo di dân vùng sạt lở (Hình 3).

Nhiều người dân lên Bắc Trà My và Nam Trà My bị mắc kẹt.

Ông Bửu cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung. 

Đối với các khu vực hạ du hồ chứa nước thủy điện, hồ chứa nước Phú Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Đại Lộc, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Thăng Bình chỉ đạo rà soát, ứng dụng kết quả xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai bàn giao và phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro của địa phương để chủ động chỉ đạo công tác sơ tán dân hiệu quả.. 

Ông Bửu đã yêu cầu bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân; chủ động triển khai hoạt động Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Đại Lộc để chỉ huy khu vực phía Bắc của tỉnh. 

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tăng cường công tác thông tin đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du biết về công tác vận hành điều tiết hồ để chủ động các phương án ứng phó.

“Tại địa phương, đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống mưa lũ”, ông Bửu nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.