Quảng Ninh nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản

Quảng Ninh nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản

Nguyễn Hương Anh

Nguyễn Hương Anh

Chủ nhật, 06/03/2022 20:30

Với các mục tiêu cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đang có những bước tiến đáng kể khắc phục hạn chế trong khai thác thủy sản, hướng tới phát triển bền vững.

Nỗ lực gỡ thẻ 

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đặt nhiệm vụ trọng tâm đồng bộ các giải pháp để sớm gỡ “thẻ vàng” về IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Với các mục tiêu cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đang có những bước tiến đáng kể khắc phục hạn chế trong khai thác thủy sản, hướng tới phát triển bền vững.

Tại khu vực cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), hơn 100 chủ tàu cá hoạt động thường xuyên nay đã quen thuộc với việc khai báo thông tin mỗi khi cập cảng, rời cảng. Sau khi liên hệ với Văn phòng đại diện, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng (qua điện thoại, máy VHF), các lực lượng Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Công an đường thủy sẽ tiến hành kiểm tra điều kiện của tàu, thu nhật ký, báo cáo khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ… Khi tàu ra khơi, thông qua Hệ thống giám sát vị trí, Văn phòng tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nếu tàu gặp sự cố, cảnh báo nếu di chuyển ra khỏi ranh giới vùng khai thác theo quy định.

Trao đổi với VOV, anh Lưu Văn Duy, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, cán bộ thường trực tại Văn phòng cho biết, đối với những trường hợp không đủ điều kiện, văn phòng sẽ thông báo trực tiếp cho chủ tàu để chủ tàu khắc phục. Khi chưa khắc phục xong những lỗi đó, văn phòng kiên quyết không cho tàu ra khơi.

Kinh tế vĩ mô - Quảng Ninh nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản

Từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài. Ảnh: Nông nghiệp. 

“Trải qua một vài tháng đầu lúng túng, đến nay bà con ngư dân đã hình thành ý thức trong thực hiện khai báo, nộp nhật ký khai thác thủy sản. Đến nay đã cơ bản đi vào nề nếp, nhất là những đội tàu từ tuyến lộng trở ra”, anh Duy chia sẻ thêm. 

Từ đầu năm 2021 đến nay, văn phòng đại diện, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cái Rồng đã kiểm soát gần 2.000 lượt tàu cá ra vào cảng, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng gần 2.500 tấn. Hoạt động kiểm soát này là một trong những giải pháp của Quảng Ninh nhằm thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu EC với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU.

Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho hơn 88% tàu cá; kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hơn 95% tàu cá. Qua tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, phát hiện và xử lý hơn 5.700 vụ vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Hợp tác quốc tế để khắc phục khó khăn 

Mặc dù tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp để cải thiện tình hình cũng như nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn chưa thể giải quyết chỉ trong thời gian ngắn như việc quản lý số tàu cá có chiều dài từ 6-15m, nhiều tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản; diện tích mặt biển rộng lớn nhưng lực lượng kiểm tra mỏng nên chưa thể kiểm soát được sản lượng đánh bắt thủy sản. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng chưa có một cảng cá đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

Theo thông tin từ báo Nông nghiệp, để nhanh chóng khắc phục những hạn chế trên, Quảng Ninh đã hướng đến việc kết nối hợp tác quốc tế, cụ thể là với phía Hoa Kỳ. Theo đó, ngày 3/3 vừa qua, Sở NN-PTNT đã làm việc với Tổng cục Thủy sản và Đoàn công tác Hoa Kỳ về một số nội dung liên quan đến thực thi pháp luật về IUU - chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Tại buổi làm việc, ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đã bày tỏ mong muốn được hợp tác với Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Quảng Ninh tháo gỡ "thẻ vàng" IUU, đặc biệt là trong công tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật thủy sản.

Kinh tế vĩ mô - Quảng Ninh nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản (Hình 2).

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 149.890 tấn. Ảnh: Nông nghiệp. 

Cụ thể, Sở đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ 1 tàu tuần tra, công suất 1500 CV phục vụ cho công tác kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển của tỉnh, đặc biệt, các vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kiểm ngư cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật trên biển từ cấp tỉnh đến địa phương; hỗ trợ thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô - Đào Trần (kinh phí xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý, vận hành...).

Về phía đoàn công tác Hoa Kỳ, ông Charles Dushan Miller (Cố vấn Chương trình Hàng hải cấp cao, Cảnh sát biển Hoa Kỳ) đặc biệt ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai thực hiện IUU. Đồng thời, ông Miller đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, triển khai mạnh mẽ các biện pháp nhằm chống khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển.

Kết thúc buổi làm việc, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, mong muốn được hợp tác kết nối, các bên đã thống nhất ý kiến và sẽ tiến hành thực hiện trong thời gian tới. Có thể nói, khắc phục IUU, hoàn thành gỡ “thẻ vàng” chính là điều kiện để cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng, phát triển thủy sản có trách nhiệm, bền vững, giá trị cao, người dân được hưởng lợi, kinh tế thủy sản tăng trưởng. Trước nhất là thủy sản trong nước không bị hạn chế xuất khẩu vào cộng đồng châu Âu, tiếp tục hưởng những ưu đãi về thủy sản do EC quy định, trong đó có những ưu đãi thuế.

Hướng đến mục tiêu tổng giá trị sản xuất thủy sản 2025 gấp 1,5 lần năm 2020 

Dự báo đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất thủy sản sẽ tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 55-60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, Quảng Ninh cũng nâng cao năng lực chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phát huy tiềm năng để trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.

Tuy nhiên hiện tại, ngành thủy sản của Quảng Ninh cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động trực tiếp đến nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có lợi thế sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hoá và du lịch

Mặt khác, tình trạng nuôi thủy sản ngoài, trái quy hoạch, nuôi tự phát trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra. Việc tổ chức sản xuất thủy sản còn nhỏ lẻ, quy mô theo hộ gia đình, chưa có tính liên kết... Đặc biệt, thời gian qua ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm bị ách tắc, gián đoạn, thậm chí làm đứt gãy hoạt động sản xuất.

Để khắc phục những hạn chế đó, chiến lược phát triển thủy sản của Quảng Ninh có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể, từ sơ chế, chế biến thiếu chuẩn, dưới chuẩn sang đạt chuẩn, trên chuẩn; từ cách thức nuôi gần bờ, lợi dụng eo ngách sang vươn ra biển lớn, xa bờ, ở những vùng biển hở, mở.

Tập trung nuôi theo hướng công nghiệp giàu hàm lượng khoa học công nghệ với ứng dụng vật liệu nuôi, thiết bị nuôi, quy trình nuôi, nguyên liệu đầu vào tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Ông Đồ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hoặc xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết đảm bảo con giống rõ nguồn gốc, thích nghi được với điều kiện môi trường nuôi.

Đồng thời, siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...

Song song với đó, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.

Hương Anh (tổng hợp) 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.