Tàu sân bay hạt nhân USS Gerald R Ford di chuyển ở Đại Tây Dương.
Theo báo Nga Sputnik, tàu USS Gerald R Ford hiện đang trong hành trình thực hiện nhiệm vụ đầu tiên. Na Uy là quốc gia đầu tiên mà tàu sân bay trị giá 12,8 tỷ USD của hải quân Mỹ ghé thăm.
Con tàu hiện đang ở Biển Bắc cùng nhóm tàu hộ tống. Na Uy cũng đã huy động khinh hạm Roald Amundsen tới tháp tùng tàu USS Gerald R Ford trong hành trình tới cảng ở thủ đô Oslo. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram cũng có mặt trên tàu sân bay Mỹ.
Hôm 22/5, ông Gram cùng các quan chức và đại sứ Mỹ tại Na Uy, tới thăm tàu USS Gerald R Ford. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy mô tả chuyến thăm của tàu USS Gerald R Ford phản ánh sự đảm bảo an ninh thông qua liên minh NATO, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ".
Ông Gram cũng kêu gọi các đồng minh tăng cường sự hiện diện ở Na Uy bao gồm tham gia các cuộc tập trận và các sứ mệnh phối hợp.
Tướng Eirik Kristoffersen, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Na Uy, hoan nghênh sự hiện diện của tàu sân bay hạt nhân Mỹ, nhưng phủ nhận máy bay Na Uy sẽ hạ cánh trên tàu USS Gerald R Ford.
Lần cuối một tàu sân bay Mỹ tới ghé thăm Na Uy là vào năm 1959 nên chuyến thăm lần này của tàu USS Gerald R Ford mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng.
"Chúng tôi sắp đón tàu sân bay lớn nhất thế giới trong chuyến thăm đầu tiên tới một quốc gia nước ngoài. Điều này phản ánh sự tương tác gần gũi giữa Mỹ và Na Uy và hy vọng rằng Na Uy cũng cảm thấy như vậy", Đại sứ Mỹ tại Na Uy Marc Nathanson, nói.
Tàu sân bay USS Gerald R Ford được hạ thủy vào năm 2013, gia nhập biên chế hải quân Mỹ năm 2017. Đây là tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay với thủy thủ đoàn gồm 4.500 người. Tàu có thể mang theo tối đa 90 máy bay và trực thăng.
Hồi đầu tháng 5, tàu USS Gerald R Ford mới rời căn cứ ở Mỹ để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên, sau một thời gian dài gặp các vấn đề trục trặc.
Đăng Nguyễn - Sputnik