HAMMER là mẫu bom dẫn dường thông minh được trang bị động cơ rocket do Pháp sản xuất.
Theo tờ Kyiv Post, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastian Lecornu ngày 26/3 khẳng định Pháp sử dụng toàn bộ năng lực ngành công nghiệp quốc phòng quốc gia để cung cấp vũ khí thường xuyên cho Ukraine.
Ông Lecornu nói các vũ khí Pháp sản xuất hàng tháng sẽ được chuyển tới Kiev, bao gồm bom dẫn đường chính xác, các hệ thống pháo và tên lửa hành trình tầm xa SCALP. Pháp coi đây là chiến lược giúp quốc gia đối phó các mối đe dọa mà Nga tạo ra với châu Âu.
Bom HAMMER bật cánh khi được thả từ chiến đấu cơ.
Ông Lecornu tiết lộ, trong năm 2024, Pháp sẽ sản xuất 600 bom dẫn đường sử dụng động cơ rocket AASM (hay còn gọi là HAMMER) và tăng gấp đôi mức sản xuất vào năm 2025. Hiện tại, Pháp cung cấp cho Ukraine 50 quả bom dẫn dường HAMMER mỗi tháng.
HAMMER thực chất là bộ module dẫn đường, động cơ rocket và phần cánh tích hợp, biến bom thông thường trở thành bom thông minh. Khác với các mẫu bom lượn do Nga sản xuất, bom HAMMER bay được xa hơn vì có động cơ rocket. Nhưng chi phí sản xuất vì vậy cũng cao hơn.
Module do Pháp phát triển phù hợp để gắn lên các mẫu bom thông thường nặng 125kg, 250kg, 500kg và 1.000kg. Pháp được cho là chủ yếu cung cấp cho Ukraine bom HAMMER nặng 250kg.
Ông Lecornu cũng tiết lộ, Pháp đang thảo luận với các kỹ sư Ukraine về việc tích hợp bom HAMMER lên các mẫu chiến đấu cơ F-16 mà Kiev sắp nhận từ Đan Mạch và Hà Lan. 6 chiếc F-16 đầu tiên có thể tới Kiev trong tháng 5 và tháng 6. Pháp muốn các máy bay này khi đó có thể ngay lập tức được trang bị bom HAMMER. Kể từ tháng 3/2024, Ukraine bắt đầu sử dụng tiêm kích MiG-29 ném bom HAMMER.
HAMMER là bom dạng module, trong đó bom thông thường được gắn thêm hệ thống dẫn đường và động cơ rocket.
Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên hỗ trợ Ukraine tích hợp vũ khí dẫn đường chính xác lên các mẫu F-16. Trên lý thuyết, Ukraine có thể sử dụng nhiều vũ khí khác nhau có nguồn gốc từ NATO một khi chính thức sở hữu chiến đấu cơ F-16.
Khi được gắn trên chiến đấu cơ F-16, các vũ khí này không bị giảm năng lực hoạt động như khi trang bị cho các tiêm kích hệ Liên Xô.
Ông Lecornu cũng cho biết, Pháp đã khởi động lại dây chuyền sản xuất tên lửa hành trình tầm xa SCALP với năng suất 40 quả/năm. Nhưng không rõ Pháp có cung cấp toàn bộ số tên lửa mới sản xuất này cho Ukraine hay không. Pháp cũng sẽ cần hỗ trợ Ukraine tích hợp tên lửa SCALP lên chiến đấu cơ F-16.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa hệ thống pháo tự hành CAESAR do Pháp cung cấp.
Về vấn đề đạn pháo, ông Lecornu nói Pháp đang sản xuất đạn pháo ở mức 100.000 quả/năm và sẽ cung cấp 80.000 quả trong số này cho Ukraine trong năm nay. Đây là mức tăng gấp gần 4 lần vì Pháp hiện chỉ cung cấp cho Ukraine 2.000 quả đạn pháo cỡ 155mm mỗi tháng, tương đương 24.000 quả/năm.
Ông Lecornu nói chính phủ Pháp sẵn sàng trưng dụng năng lực công nghiệp quốc phòng của các công ty tư nhân để đẩy mạnh sản xuất vũ khí cho Ukraine.
"Chúng tôi cần sản xuất nhanh hơn, hỗ trợ Ukraine thường xuyên hơn. Chúng tôi có thẩm quyền làm như vậy", ông Lecornu nói.
Theo ông Lecornu, Pháp đang tiếp tục sản xuất pháo tự hành CAESAR và sẽ cung cấp cho Ukraine 78 hệ thống này trong năm 2024. Các vũ khí khác mà Pháp sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine gồm xe bọc thép chở quân VAB và xe tăng hạng nhẹ/trinh sát AMX-10.
Đăng Nguyễn - Kyiv Post