Phó Tổng thống Ghana Mahamudu Bawumia. Ảnh: Reuters
Ghana mới đây còn gây chú ý khi chính phủ có kế hoạch xây dựng chính sách mới: Mua dầu bằng vàng thay vì bằng đô la Mỹ như trước đây. Thông tin này được Phó Tổng thống Ghana Mahamudu Bawumia xác nhận trên Facebook ngày 24/11, hãng Reuters đưa tin.
Động thái của quốc gia Tây Phi nhằm giải quyết vấn đề dự trữ ngoại tệ đang suy giảm cùng với nhu cầu về đồng USD của các nhà nhập khẩu dầu - vốn đang làm suy yếu đồng Cedi của Ghana và tăng chi phí sinh hoạt ở nước này.
Cuối tháng 9 năm nay, tổng dự trữ ngoại tệ của Ghana là 6,6 tỷ USD. Con số này thấp hơn so với 9,7 tỷ USD vào cùng kỳ năm ngoái, theo chính phủ Ghana.
Nếu được thông qua và áp dụng theo kế hoạch vào quý I của năm 2023, chính sách mới "về cơ bản sẽ thay đổi cán cân thanh toán của chúng tôi và giảm đáng kể tình trạng mất giá liên tục của đồng nội tệ", Phó Tổng thống Bawumia nói.
Ông Bawumia giải thích rằng, việc dùng vàng để mua dầu sẽ ngăn tỷ giá hối đoái (là tỷ giá quy đổi giữa đồng tiền này với đồng tiền khác) ảnh hưởng trực tiếp tới giá nhiên liệu hoặc giá dịch vụ vì người bán dầu trong nước không cần tới ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ.
"Việc dùng vàng mua dầu thể hiện một sự thay đổi lớn về cấu trúc mua bán ở mặt hàng này", ông Bawumia nói thêm.
Nằm trên bờ vịnh Guinea và Đại Tây Dương, Ghana rất giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó có vàng. Theo trang Energy Capital Power, Ghana được coi là một trong những khu vực phát hiện nhiều vàng nhất thế giới. Quốc gia Tây Phi là nước sản xuất vàng lớn nhất ở châu Phi và lớn thứ 6 trên thế giới. Năm 2021, sản lượng vàng khai thác của nước này là 117,6 tấn.
Theo Reuters, hiếm có nước nào đề xuất chính sách đổi vàng lấy dầu như của Ghana. Các quốc gia đôi khi trao đổi dầu lấy hàng hóa khác. Những giao dịch như vậy thường liên quan đến việc một quốc gia sản xuất dầu chấp nhận trao đổi để lấy hàng hóa khác (không phải dầu).
Ghana là quốc gia sản xuất dầu thô, nhưng nước này phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế kể từ khi nhà máy lọc dầu duy nhất của nước này đóng cửa sau vụ nổ vào năm 2017.
Thông tin về chính sách đề xuất của Ghana được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính nước này Ken Ofori-Atta công bố các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng doanh thu trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang gia tăng.
Trong một bài thuyết trình về ngân sách năm 2023 trước quốc hội Ghana hôm 24/11, ông Ofori-Atta cảnh báo Ghana có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và việc đồng nội tệ Cedi mất giá ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quản lý nợ công của Ghana.
Chính phủ Ghana đang đàm phán một gói cứu trợ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi quốc gia nổi tiếng về sản xuất vàng, dầu mỏ và ca cao này đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vài năm gần đây.
Nguyễn Thái - RT