Tổng thống Croatia Zoran Milanovic.
Hôm 20/12, ông Milanovic nói rằng Ukraine "không phải đồng minh" của Croatia và cảnh báo xung đột lan tới vùng Balkan, theo RT.
"Ukraine không phải là đồng minh. Ukraine được EU miễn cưỡng trao tư cách ứng viên", ông Milanovic nói.
Tổng thống Croatia phản đối đề xuất của Thủ tướng Andrej Plenkovic, về việc binh sĩ Ukraine có thể được huấn luyện ở Croatia.
Ông Milanovic cho rằng, đề xuất như vậy sẽ "đem chiến tranh" tới quốc gia. "Ông Plenkovic có thể tới Ukraine và chiến đấu", Tổng thống Croatia nói.
Nói về tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Croatia, ông Milanovic nói quốc gia này đang thiếu các tên lửa chống tăng. "Chúng ta có người Mỹ sẽ bảo vệ chúng ta tương tự như Ukraine", ông cho biết.
Ông Milanovic đưa ra các bình luận sau khi Quốc hội Croatia không đạt được sự đồng thuận về việc nước này tham gia chương trình của EU nhằm huấn luyện 15.000 binh sĩ Ukraine.
Tuần trước, 97 trong số 151 nghị sĩ Croatia bỏ phiếu ủng hộ đề xuất, chưa đạt mức 2/3 để đề xuất được thông qua.
Tổng thống Croatia cũng đang giữ chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, cảnh báo tham gia chương trình huấn luyện như vậy sẽ khiến Croatia trở thành mục tiêu của Nga. Nhưng ông Plenkovic và chính phủ Croatia ủng hộ đề xuất, cho rằng Tổng thống Croatia là người có quan điểm "thân Nga".
Ông Milanovic là người có ảnh hưởng sâu rộng ở Croatia, ông từng là lãnh đạo đảng SDP từ năm 2007 - 2016, Thủ tướng Croatia năm 2011 - 2016 và hiện là Tổng thống Croatia từ năm 2020. Trong khi đó, Thủ tướng Croatia Plenkovic nắm quyền từ năm 2016, là Chủ tịch đảng HDZ.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Croatia năm 2020, liên minh do đảng HDZ dẫn đầu giành được 66 ghế, tương đương 37% ghế trong Quốc hội. Liên minh Restart do ông Milanovic sáng lập giành được 41 ghế, tương đương 24%. Ông Plenkovic sau đó đã đạt thỏa thuận với các đảng khác để đạt 76 ghế, qua đó thành lập chính phủ.
Đối với các quyết sách quan trọng được đưa ra bỏ phiếu trong Quốc hội, liên minh các đảng trung thành với Tổng thống Milanovic vẫn có tiếng nói vì cần 2/3 số phiếu bầu để các quyết sách được thông qua.
Đăng Nguyễn - RT