Xe tăng M1 Abrams của Mỹ được vận chuyển (ảnh: Reuters)
Hôm 25/1, chỉ vài giờ sau khi Đức tuyên bố sẽ viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, Mỹ cũng có động thái tương tự.
Tổng thống Mỹ Biden cho biết, nước này sẽ cung cấp 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine.
Trước đó, Mỹ tỏ ra ngần ngại trước kế hoạch gửi cho Ukraine những chiến xe tăng M1 Abrams mạnh mẽ nhưng khó bảo dưỡng. Tuy nhiên, nếu Mỹ – quốc gia dẫn đầu NATO – không “bật tín hiệu”, Đức sẽ từ chối gửi xe tăng cho Ukraine, theo Reuters.
Theo ông Biden, xe tăng là vũ khí cần thiết để lực lượng Ukraine “cải thiện khả năng cơ động trên địa hình trống trải” ở mặt trận miền Đông.
“Không có mối đe dọa nào nhằm vào lãnh thổ Nga”, ông Biden nói.
Trước đó, Điện Kremlin đã cảnh báo, xe tăng M1 Abrams của Mỹ sẽ “cháy rụi” nếu xuất hiện trên chiến trường Ukraine.
Cùng ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cũng chỉ trích Đức về quyết định cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Theo bà Zakharova, Đức đang tham gia vào “một cuộc chiến được lên kế hoạch từ trước” nhằm chống lại Nga.
Ông Sergei Nechayev – Đại sứ Nga tại Berlin – đánh giá quyết định mới của Đức là “cực kỳ nguy hiểm”.
“Quyết định của Berlin là sự từ chối cuối cùng của Đức trong việc thừa nhận trách nhiệm lịch sử đối với nhân dân Nga về những tội ác trong Thế chiến II. Họ đã quên con đường hòa giải khó khăn sau chiến tranh giữa người Nga và người Đức”, Reuters dẫn lời ông Nechayev.
“Với sự chấp thuận của giới lãnh đạo Đức, những chiếc xe tăng có hình chữ thập sẽ lại được gửi tới mặt trận phía đông. Điều này có thể gây ra thương vong đối với không chỉ binh sĩ Nga mà còn cả dân thường”, ông Nechayev nói thêm.
Theo Reuters, hơn 80 năm sau khi Đức xâm lược nước Nga Xô viết và Ukraine trong Thế chiến II, một số ý kiến ở Đức đã phản đối kế hoạch gửi xe tăng tới Ukraine.
“Chúng tôi hiện có một liên minh xe tăng”, Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu hôm 25/1, không quên gửi lời cảm ơn Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức vì quyết định gửi xe tăng cho lực lượng Kiev.
Vương Nam – Reuters, TASS