Tổng cục Thống kê dự báo, trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất và là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp, chỉ tăng 2,38% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 10,47%).
Trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II/2020 tăng 6,99% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất, tăng 8,51% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 11,21%).
Những ngành, sản phẩm chịu nhiều thiệt hại là: dệt, may, da, giày với các sản phẩm, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc như: sợi, vải, bông, xơ, chỉ, da, mũi giày, thiết bị và phụ kiện khác của ngành dệt, da, may. Dự kiến quý I/2020, ngành dệt tăng 1,9% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 10,5%); ngành may giảm 1,5% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 7,9%); ngành da và các sản phẩm liên quan dự kiến tăng 0,5% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 8,5%).
Cùng với đó là các ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học là ngành hiện đóng góp khoảng 18% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp thì dự kiến quý I/2020 giảm 2,3% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 2,4%). Sản xuất xe có động cơ dự kiến quý I/2020 tăng 6,9% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 9,3%). Sản xuất kim loại dự kiến quý I/2020 tăng 5,2% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 9,6%).
Để ổn định sản xuất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Tổng cục đề xuất Chính phủ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Bên cạnh đó, giải quyết ngay các thủ tục hành chính, các vướng mắc khác có liên quan để có thể khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, lĩnh vực; đồng thời tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.
Tổng cục Thống kê cũng đề xuất kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, tập trung vào các mặt hàng hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn, các thị trường chủ yếu; kịp thời, phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu…
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất, xuất, nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh do virus Corona. Đặc biệt, là các ngành dệt may, da, điện tử, ô tô, thép, chế biến lương thực, thực phẩm...
Theo đó, các biện pháp hỗ trợ cụ thể như: tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh do virus Corona; tuyên truyền người dân kích cầu tiêu dùng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.
“Chủ động xây dựng kế hoạch, tiếp cận đối tác, các nhà tài trợ, đàm phán vận động thu hút tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo chiều sâu phục vụ các mục tiêu phát triển của ngành”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Theo Thúy Hiền/TTXVN