Theo quy định của pháp luật Việt Nam, với mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, ngoài đại biểu được cơ quan, đoàn thể giới thiệu ứng cử thì công dân có quyền tự ứng cử nếu đáp ứng đủ các điều kiện. Tự ứng cử là một trong những yếu tố thể hiện sự đảm bảo dân chủ trong hoạt động bầu cử và cánh cửa cho những người tự ứng cử ĐBQH khóa XV là rộng mở. Xung quanh vấn đề này, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An.
Lựa chọn những đại biểu đủ sức, đủ tài
PV: Theo cơ cấu hiện nay, số ĐBQH là người ngoài Đảng, người tự ứng cử từ 5-10% (25 - 50 người). Bà đánh giá như thế nào về cơ cấu này?
PGS.TS Bùi Thị An: Tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND là quyền của công dân. Về tiêu chí, tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ xưa đến nay không có gì hạn hẹp, cản trở công dân thực hiện quyền này.
Về thủ tục, hồ sơ, quy trình dành cho ứng viên được giới thiệu hay tự ứng cử đều như nhau. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm đứng ra tạo điều kiện cho họ được tham gia. Nhìn vào dự kiến thành phần, cơ cấu cho thấy, nhiệm kỳ này “cửa” vào Quốc hội sẽ rộng mở hơn cho những người tự ứng cử. Chưa rõ số lượng đại biểu tự ứng cử lần này nhiều hay ít, nhưng tôi tin chất lượng đại biểu tự ứng cử lần này sẽ cao hơn trước.
PV: Bà nhìn nhận như thế nào về tình trạng “vận động không trong sáng” có thể diễn ra trong mỗi lần bầu cử?
PGS.TS Bùi Thị An: Với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định, quy định rõ việc gì được làm, không được làm. Những gì pháp luật không cấm thì cứ làm, nhưng nếu không đúng thời điểm, dư luận lại cho là vận động không trong sáng. Việc vận động bầu cử phải tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp. Việc ứng cử viên tự gặp gỡ cử tri bên ngoài thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình. Theo quan điểm của tôi, nhân dân, cử tri, các cấp chính quyền và những người có trách nhiệm cần lên tiếng về những trường hợp tiêu cực trong vận động bầu cử.
Lâu nay, chúng ta không hạn chế tự ứng cử nhưng ứng viên phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, tiêu chí, những thông tin liên quan đến ứng viên phải được minh bạch cho cử tri biết. Theo tôi, ứng cử viên chất lượng mới có đại biểu đủ tầm. Vận động bầu cử sẽ tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ tiếp xúc với cử tri để thông báo, chia sẻ chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH và HĐND các cấp. Quan trọng hơn là cử tri có thêm cơ hội tìm hiểu, cân nhắc để lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
“Không nên tạo “đột biến” trước kỳ bầu cử chỉ nhằm tranh thủ sự ủng hộ”
PV: Nói như vậy, khâu giám sát là vô cùng quan trọng giúp loại bỏ những người không đủ đức, đủ tài tham gia Quốc hội và HĐND các cấp, thưa bà?
PGS.TS Bùi Thị An: Đúng vậy! Trên thực tế, có thời điểm, khâu kiểm tra ban đầu không tốt dẫn đến “lọt rào” những đại biểu không đủ tiêu chuẩn, thậm chí bị bãi miễn, vướng vòng lao lý.
Cơ quan Nhà nước, người thẩm định phải chịu trách nhiệm xác thực tiêu chí thực của người tự ứng cử. Phải lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng để nhân dân bầu ra ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp có đủ đức, đủ tài, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Bên cạnh những tiêu chuẩn đã được luật hóa, quán triệt tinh thần Kết luận 174 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng Hướng dẫn số 36 về công tác nhân sự ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tại Hướng dẫn số 36 đã bổ sung cụ thể yêu cầu phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.
PV: Như bà vừa nói, phải kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội và HĐND các cấp. Vậy làm sao phân biệt và xác định việc người tự ứng cử có “vận không trong sáng” hay không, thưa bà?
PGS.TS Bùi Thị An: Tôi cho rằng, quy định này nhằm cảnh báo rằng các ứng viên có quyền nhưng phải đi đôi với trách nhiệm. Quyền lợi chính đáng của ứng viên được Nhà nước bảo vệ, người dân ủng hộ, đồng thời họ phải có trách nhiệm với xã hội. Các ứng viên vận động bầu cử bằng năng lực thực tế, bằng những đóng góp cụ thể, chứ không nên tạo ra "đột biến" trước kỳ bầu cử chỉ nhằm tranh thủ sự ủng hộ, tạo thiện cảm, lấy lòng cử tri.
PV: Thực tế, Quốc hội khóa trước có một số đại biểu vi phạm về quốc tịch. Theo bà, làm thế nào giám sát vấn đề này trong quá trình bầu cử?
PGS.TS Bùi Thị An: Trước hết, phải thực hiện nghiêm việc giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Một trong những tiêu chuẩn, điều kiện đó phải là công dân Việt Nam, có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thành lập các đoàn giám sát, gồm đoàn giám sát do Hội đồng bầu cử quốc gia phân công và đoàn giám sát riêng. Trong nhiều nội dung giám sát có giám sát về tiêu chuẩn của các ứng viên được giới thiệu, trong hồ sơ ứng cử, có cả vấn đề quốc tịch. Trong quá trình giám sát, những gì vướng ở Quốc hội khóa trước phải được lưu ý ở khóa này.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS!
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu thành phần, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 người. Trong đó, số lượng đại biểu ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%). Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu. Trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa mới, có 95 Ủy viên Trung ương, trong đó có 12-14 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Bên cạnh đó, đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 50 người và đại biểu tái cử khoảng 160 người.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội:
Tôi luôn học hỏi và quyết tâm trở thành đại biểu dân cử
Chia sẻ với báo chí lý do mình tiếp tục làm đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Trước tiên, cá nhân tôi luôn mong muốn làm ĐBQH. Điều này tôi đã khẳng định vào thời điểm 5 năm trước, khi nộp đơn tự ứng cử ĐBQH khóa XIV. Chính vì lý do này, tôi luôn học hỏi và quyết tâm để trở thành đại biểu dân cử. Tôi là một trong hai người tự ứng cử được cử tri tín nhiệm bầu và trở thành ĐBQH.
Trải qua thực tiễn đại biểu dân cử trong 5 năm qua, tôi thấy thực sự thú vị, vì mình đã có những đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Được phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn Quốc hội, bản thân tôi thực sự hạnh phúc khi được làm điều đó. Qua một nhiệm kỳ, bản thân tôi càng mong muốn được tiếp tục làm ĐBQH hơn. Tôi đã làm rất nhiều việc trong nhiệm kỳ và chắc chắn sẽ càng ngày càng nhiều việc mình muốn làm hơn. Quốc hội là diễn đàn hay nhất để thể hiện mong muốn của mình.
Bên cạnh đó, lý do tôi tiếp tục theo đuổi làm đại biểu dân cử là theo nguyện vọng, mong muốn, thúc giục của nhân dân, cử tri và bạn bè. Ai cũng khuyên tôi nên tiếp tục tham gia Quốc hội thêm khóa nữa.
Trong nhiệm kỳ qua, tôi đã tham gia góp ý vào rất nhiều lĩnh vực. Ngoài chuyên môn y tế, tôi cũng tham gia rất sâu vào lĩnh vực tài chính, ngân sách, kinh tế, phòng, chống tham nhũng... Đặc biệt, tôi thường đề cập rất sâu vào công tác cán bộ. Tôi cũng chính là người đề xuất về vấn đề văn hóa từ chức. Những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm, rồi rất nhiều dự án luật nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, điển hình như dự án luật Đặc khu, tôi đều tham gia tích cực.
Tại diễn đàn Quốc hội, rất nhiều lần tôi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Nhưng nhiều lần trong giờ giải lao, Thủ tướng đều vui vẻ gọi tên và biểu dương đại biểu Trí vì “câu hỏi hay quá”. Tuyệt đối không có gì cấm cản cả. Hay có lần tôi chất vấn Bộ trưởng bộ TN&MT Trần Hồng Hà về vấn đề bụi mịn ở Hà Nội. Tôi đã tranh luận với Bộ trưởng và đưa ra những con số cụ thể từ các tài liệu báo cáo gửi Quốc hội. Nhưng từ đó, chẳng những tôi không bị Bộ trưởng bực bội mà còn rất quý mến. Rồi Bộ trưởng bộ LĐ, TB&XH và một số tư lệnh ngành khác cũng vậy. Ngoài phát biểu, chất vấn trực tiếp, có nhiều việc tôi gặp riêng, trao đổi ngoài hành lang rất nhiều. Họ đều lắng nghe, tiếp thu và không hề bực bội”.
PV (T/h)
Các ứng viên có trách nhiệm làm rõ vấn đề cử tri yêu cầu
Nói về cơ cấu ĐBQH khóa XV sẽ được bầu cử vào ngày 23/5 tới đây, chia sẻ với báo chí, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, theo cơ cấu hiện nay, số ĐBQH là người ngoài Đảng, người tự ứng cử từ 5 - 10% (25 - 50 người). Vì vậy, cửa dành cho người tự ứng cử tham gia Quốc hội rộng.
“Chúng ta đã có quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ, tất cả công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền tự ứng cử. Người tự ứng cử viết đơn ứng cử kèm hồ sơ theo quy định gửi đến ủy ban bầu cử các cấp. Trên cơ sở đó, các ủy ban bầu cử sẽ xem xét, thống nhất với MTTQ ở địa phương để đưa ra các hội nghị hiệp thương. Từ hội nghị hiệp thương lần thứ hai trở đi, danh sách các ứng viên sẽ bao gồm những người được giới thiệu và những người tự ứng cử”, ông Lềnh nói về quy trình bầu cử ĐBQH khóa XV dành cho người tự ứng cử.
Điều dư luận quan tâm, việc thẩm định hồ sơ với người tự ứng cử được thực hiện ra sao và khi kê khai tài sản, người tự ứng cử có gì khác biệt so với ứng viên được giới thiệu? Trả lời vấn đề này, ông Hầu A Lềnh cho rằng: “Việc thẩm định hồ sơ với người tự ứng cử cũng thực hiện đồng thời với các đại biểu được giới thiệu. Quy trình thẩm định như nhau, đều phải xem xét về tiêu chuẩn, lịch sử chính trị... Những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có hoặc những ý kiến phản ánh của nhân dân đều cần làm rõ... Người tự ứng cử tự kê khai tài sản và ở cơ sở người dân tự giám sát qua hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú. Trong hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, các ứng viên phải báo cáo lý lịch, hồ sơ của mình trước cử tri.
Trong hồ sơ bao gồm tất cả các thông tin để cử tri biết và có ý kiến về từng ứng cử viên xem những thông tin đó có đúng không. Các ứng cử viên phải có trách nhiệm làm rõ vấn đề cử tri yêu cầu”.
P.V (t/h)
Hương Lan