Rước họa vì lạm dụng thuốc nam

Rước họa vì lạm dụng thuốc nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Nhiều người vẫn giữ suy nghĩ, với thuốc nam thì uống nhầm cũng không có gì nguy hại đến sức khỏe nên thường tự mua về sử dụng một cách tùy tiện.

Biến chứng, ngộ độc liên tiếp

Cách đây không lâu, cháu N.H.N (ở Cầu Giấy, Hà Nội) được mẹ đưa đến khám ở Bệnh viện Da liễu TW. Người cháu N bị loét, mẩn đỏ, mụn mưng mủ. Bác sỹ chuyên khoa chẩn đoán, cháu N bị dị ứng, viêm da cấp tính. Nếu cháu không được điều trị đúng phác đồ, dễ dẫn tới nhiễm trùng da... Chị Hương, mẹ cháu N kể: Bà nội thương yêu cháu nên đun rất nhiều loại lá, quả để tắm cho cháu. Bà nói rằng, tắm lá chè, lá chuối khô, mướp đắng khô...sẽ giúp da mịn màng. Không ngờ, tắm được hơn 1 tháng thì người cháu thành ra nông nỗi này.

Xã hội - Rước họa vì lạm dụng thuốc nam

Một trường hợp bị ngộ độc do dùng phải thuốc Nam rởm

Tương tự, ngày 26/6, bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc cấp do dùng thuốc nam gây nguy hại tới sức khỏe. Trước đó, vào khoảng 12 giờ cùng ngày, 3 bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Hành (61 tuổi trú tại xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên); bà Đỗ Thị Xuân (54 tuổi, em họ ông Hành) trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, và chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 29 tuổi, là con dâu của ông Hành, nhập viện trong tình trạng vật vã kích thích. Riêng bà Xuân còn có biểu hiện ngừng thở, người tím tái.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ cấp cứu, sức khỏe của ông Hành và chị Nhàn đã ổn định, còn bà Xuân đã tỉnh táo hơn và đang được các bác sỹ trong viện tiếp tục điều trị theo hướng lọc thải chất độc.

Người nhà nạn nhân cho biết: Hơn 10 năm trở lại đây, ông Hành thường xuyên lấy lá thuốc về để tự chữa bệnh cho người nhà và một số người thân. Biết bà Xuân bị vôi hóa đốt sống cổ, ông Hành tự tìm lá thuốc ở quanh nhà đun lên cho bà Xuân uống. Sau khi uống khoảng 1 đến 2 giờ, bà Xuân bắt đầu có biểu hiện chóng mặt. Ông Hành thấy vậy liền uống thử một ngụm và cũng có biểu hiện như bà Xuân. Chị Nhàn đi làm về, khát nước nên uống nhầm phải nước lá do bố đun nên sau đó cũng phải nhập viện cấp cứu.

Bác sỹ trực tiếp điều trị 3 bệnh nhân, cho biết: Đây là trường hợp ngộ độc thuốc nam hiếm gặp ở tỉnh Thái Nguyên. Thông thường ngộ độc thuốc nam có biểu hiện ngấm dần vào cơ thể chứ không gây liệt hô hấp hoàn toàn như những trường hợp này. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn thì các bác sỹ sẽ gửi mẫu nước thuốc mà bệnh nhân đã uống đi xét nghiệm để tìm độc tố.

Cảnh giác với thuốc không rõ nguồn gốc

Bác sỹ Nguyễn Anh Tú, chuyên gia đầu ngành về chống độc (Viện Y học cổ truyền TW) cho biết: Việc tự ý dùng thuốc đông y trong điều trị bệnh sẽ rất nguy hiểm.

Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, thì tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai hiện có nhiều trường hợp cấp cứu do bị ngộ độc thuốc nam. Với dáng mệt mỏi, phờ phạc ngồi bên cạnh vợ, chồng của bệnh nhân N.T.C., 54 tuổi (Hải Phòng) buồn rầu chia sẻ: “Tôi không biết vợ mua thuốc ở đâu, thầy lang nào, chỉ biết ở tận Đắk Lắk gửi ra. Bà ấy bảo nhiều người uống thuốc đó đỡ bệnh thấp khớp nên cũng mua về dùng. Lúc đầu, vợ tôi nói bệnh có đỡ và thấy người khỏe hơn. Ai ngờ sau vài tháng, vợ tôi thấy người khó chịu, mệt mỏi, da vàng…

Được biết, ba C. bị thấp khớp nhiều năm nên cứ ai mách ở đâu có “thuốc hay” là bà lại tìm mua. Thậm chí, bà C còn tự ra chợ mua thuốc nam, thuốc lá về sắc uống trong 4 năm liền. Mới đây, nghe người ta mách, bà C còn gửi mua hai loại thuốc nam dạng hoàn tán, 1 loại viên đen, 1 loại viên trắng và uống 5 tháng liền. Và hậu quả cuối cùng là bà phải nhập viện cấp cứu. Bác sỹ cho biết, bà C bị hội chứng suy gan cấp, có hạch to, được chẩn đoán là bệnh u lympho. Cả hai bệnh này đều là hậu quả của nhiễm độc asen mạn tính.

Theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Thuốc nam "rởm" không chỉ có chì mà còn có cả asen (có thể còn nhiều chất độc hại khác đã được gọi tên và nhiều chất khác chưa thể biết hết). Asen là một kim loại nặng rất độc, khi vào cơ thể gây ra những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như ung thư bàng quang, gan, thận, ruột, da…, làm rối loạn di truyền như đột biến gen và còn có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, khi nhiễm asen mãn tính liều thấp trong thời gian dài sẽ dẫn đến tổn thương các hệ cơ quan và gây ra biến chứng nặng nề như vàng da, suy gan, thiếu máu, bệnh hạch to (u lympho)...

Thầy thuốc nhân dân. BS. Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hoặc cấm hẳn việc sử dụng một số vị thuốc được cho là đốc này để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Theo BS Cao Đức Chính, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội, khó khăn trong việc điều trị ngộ độc thuốc nam là không có thuốc đặc hiệu. Đa số người bệnh nhập viện muộn, trong tình trạng đã bị nặng do chất độc tích tụ trong cơ thể lâu. Tuy rất tốn kém nhưng còn có thể cứu sống được bệnh nhân chứ suy gan nặng thì rất khó khăn.

H.Anh – L.Tuấn