Càng về thời điểm cuối năm, các sàn thương mại điện tử, nhà sản xuất và các nhãn hàng càng triển khai nhiều đợt khuyến mãi khủng nhằm tăng doanh số. Đặc biệt, trong tháng 11 có 2 đợt “siêu sale” lớn nhất trong năm là ngày lễ độc thân 11/11 và ngày hội mua sắm trực tuyến diễn ra vào cuối tháng.
Càng về cuối năm, các chương trình giảm giá, khuyến mãi càng diễn ra sôi động hơn.
Đối với người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ, chị em phụ nữ đều háo hức “canh” đến ngày này để tranh thủ mua đồ với giá hời. Tuy nhiên, nhiều người lại sa đà vào “bẫy” mua sắm khi đứng trước những món đồ có giá rẻ bất ngờ, họ quên đi nhu cầu thực tế của bản thân mà xuống tiền vô tội vạ.
Mở ngăn bàn với khoảng 20 chiếc ốp điện thoại đủ màu, chị Thanh Loan, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, chị mới dùng 3 chiếc trong số này. Không chỉ ốp điện thoại mà cả quần áo, giày dép trong nhà, rất nhiều món đồ chị chưa từng dừng một lần.
Theo chị Loan, với tâm lý mua nhanh kẻo hết, nhiều khi chị chỉ nhìn sản phẩm đó đang giảm giá bao nhiêu phần trăm chứ không hề nghĩ đặt mua về mình sử dụng chúng như thế nào.
"Sa đà" vào các chương trình đại hạ giá, chị Loan mua tới 50 chiếc ốp điện thoại. (Ảnh minh hoạ).
“Vì thích chiếc điện thoại mới mua mà tôi đã đặt khoảng 50 chiếc ốp đủ loại, chỉ từ 15-50 nghìn đồng/chiếc. Một nửa số ốp tôi mang về nhà, nửa số còn lại phải để trên công ty vì sợ bố mẹ biết. Mua xong, nhận hàng mới biết mình đặt quá nhiều và lãng phí”, chị Loan nói.
Đặt hàng quá nhiều, sau những ngày “siêu sale” là những ngày chị Minh Lê, trú tại Hoài Đức (Hà Nội) lên lên xuống xuống toà nhà chỉ để nhận hàng và mở hàng.
Không những vậy, nhiều chị em còn coi những ngày “siêu sale” là ngày “thu hoạch” khi thi nhau khoe “chiến tích” mình đã chốt mua được bao nhiêu đơn, có bao nhiêu đơn 11 nghìn hay 9 nghìn.
“Đợt 11/11 năm ngoái, tôi đặt khoảng 30 đơn hàng, trong đó có mấy đơn 1k, 11k, 111k, nhưng hầu như toàn những món “vứt đi”, ít khi dùng tới. Ví dụ như ốp điện thoại tôi mua những hơn chục chiếc, trong khi chỉ cần 1-2 chiếc, ngoài ra còn có kẹp tóc, ví, mũ…”, chị Lê nói.
Những chiếc thớt giá rẻ được chị Lê mua online nhân dịp "đại hạ giá" với chất lượng kém, mùi nhựa nồng và hắc.
Không chỉ vung tay quá trán khi mua hàng bất chấp, nhiều người còn thất vọng khi hàng nhận về kém chất lượng, không như quảng cáo. Mặc dù đoán được rằng đồ rẻ có thể đi kèm với chất lượng thấp nhưng chị vẫn cố chấp mua.
“Tôi từng mua một lúc 3 chiếc thớt nhựa với giá 33 nghìn đồng khi thấy họ nói giảm 90%. Về nhà mở ra toàn mùi nhựa nồng nặc, 3 chiếc 3 màu, vừa mỏng vừa hắc. Tôi bỏ luôn vào thùng rác. Có những bộ quần áo, váy vóc, ảnh mẫu mặc lên rất đẹp, tôi đặt chuẩn size, chuẩn số nhưng mua về mặc thì như cái bao tải”, chị Lê kể.
Xuống tiền mua đồ rẻ, đồ giảm giá mà không cần suy nghĩ nhiều nên nhiều khi chị Lê bị âm cả lương, phải vay mượn thêm bạn bè để “cầm cự” đến cuối tháng.
Đứng trước những dịp "siêu sale", người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm đúng với nhu cầu thực tế.
Chị Nguyễn Kim Ngân, chủ một doanh nghiệp vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cho biết, đa phần quyết định mua hàng của người tiêu dùng trong những dịp giảm giá lớn đều là bộc phát.
“Hầu như họ không xem xét một cách kỹ lưỡng trước khi mua vì các nhãn hàng thường đưa ra chương trình giảm giá chỉ trong một thời gian nhất định. Họ dùng chiến thuật để thao túng tâm lý khách hàng, thúc đẩy họ mua sắm”, chị Ngân nói.
Theo chị Ngân, để tránh rơi vào “bẫy” mua sắm cũng như không bị sa đà vào những dịp “siêu sale” dẫn đến “cháy ví”, người tiêu dùng cần lên kế hoạch trước những món đồ mình cần, chọn mua những sản phẩm đúng với nhu cầu thực sự và xuống tiền.
Ngoài ra, tránh lạm dụng thẻ tín dụng để mua sắm vì khi đó, bản thân chỉ quan tâm đến việc săn được hàng giá rẻ mà không để ý đến số tiền trong thẻ bị trừ, vượt quá mức có thể chi trả của bản thân trong tháng đó.
Hồng Cảnh