Sẵn sàng các kịch bản giảm thêm thuế đối với xăng dầu

Lê Thanh Hồng

Lê Thanh Hồng

Thứ 5, 29/09/2022 19:31

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đã chuẩn bị các kịch bản giảm thêm thuế để ổn định giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát năm 2022.

Tại họp báo chiều 29/9 của Bộ Tài chính, nhận định tình hình lạm phát từ nay tới cuối năm, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định hiện nay lạm phát đang được kiểm soát tốt.

Minh chứng cho việc này, ông Truyền đã dẫn số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%.

CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh: "Theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ đặt ra, chỉ số lạm phát năm nay không quá 4%. Như vậy, dư địa còn tương đối lớn".

Tuy nhiên, ông Truyền cũng chỉ ra một số yếu tố gây áp lực tăng giá từ nay đến cuối năm. Theo đó, giá nhiên liệu và năng lượng chắc chắn còn biến động phức tạp do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine còn diễn biến căng thẳng và khó lường.

“Thời gian qua, giá xăng dầu có xu hướng giảm, nhưng còn 3 tháng nữa từ nay đến cuối năm có thể có tăng giá nhất định. Trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, có thể khiến giá hàng hóa tăng...”, ông Truyền nhận định.

Mặt khác, một số yếu tố có thể tác động làm giảm giá hàng hóa như các mặt hàng do Nhà nước định giá (điện, dịch vụ công…) theo chỉ đạo Chính phủ và Ban Chỉ đạo sẽ giữ ổn định. Sự kiên định trong giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách miễn, giảm thuế phí cũng có tác động giảm áp lực tăng giá. Ngoài ra, chỉ số GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam cũng rất khả quan.

Do đó, ông Truyền nhận định, còn 3 tháng nữa là hết năm, với dư địa hiện tại, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá bất ngờ.

Bổ sung cho vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho biết trong 9 tháng qua, Việt Nam đã đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ đưa ra các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Tài chính, các cơ quan và Chính phủ.

Kinh tế vĩ mô - Sẵn sàng các kịch bản giảm thêm thuế đối với xăng dầu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng nhận định, Chính phủ đang tập trung rất nhiều nguồn lực để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát. Không riêng các chính sách tài khóa mà còn cả chính sách công thương, sản xuất để giữ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảm nguồn hàng, nguồn cung, không đứt gãy chuỗi cung ứng, giữ được chi phí đầu vào.

Để giữ được tỉ lệ lạm phát trước sức ép của khu vực và thế giới, Việt Nam đã phải sử dụng nhiều giải pháp tài khóa và tiền tệ.

"Bộ Tài chính đã trình cơ quan có thẩm quyền giảm thuế cho người tiêu dùng, doanh nghiệp từ đầu năm. Đồng thời, đề xuất phương án giảm thuế với mặt hàng xăng dầu, từ đó giữ được giá xăng dầu ổn định khi đây là một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất”, ông Chi nói.

Đáng chú ý, ông Chi cũng cho biết Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản giảm thêm thuế đối với xăng dầu, không những với thuế bảo vệ môi trường, mà còn với thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt tùy thuộc vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Trên tinh thần đó sẵn sàng ứng phó kịp thời với các biến động của thị trường để giữ được giá mặt hàng chiến lược này.

“Chúng ta cần điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và tiền tệ giữa các chính sách khác để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo nhiệm vụ Quốc hội đề ra”, Thứ trưởng Chi nhấn mạnh.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.