Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 511.170 ca mắc COVID-19, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 506.912 ca, trong đó có 279.742 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
+ Có 06 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (245.188), Bình Dương (128.893), Đồng Nai (27.306), Long An (24.329), Tiền Giang (10.438).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 4/9 là 11.848 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 282.516
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.572 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.204
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.267
- Thở máy không xâm lấn: 173
- Thở máy xâm lấn: 899
- ECMO: 29
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 643.793 xét nghiệm cho 1.148.822 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.706.988 mẫu cho 38.182.379 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 21.046.279 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.998.754 liều, tiêm mũi 2 là 3.047.525 liều.
Tính đến 6h ngày 5/9, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 221.063.790 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.573.824 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 464.625 và 7.453 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 197.554.954 người, 18.935.012 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 105.595 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 55.041 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ (42.924 ca) và Anh (37.578 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 796 người chết, tiếp theo là Mexico (725 ca) và Brazil (609 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 40.761.715 người, trong đó có 665.463 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 32.987.615 ca nhiễm, bao gồm 440.567 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 20.877.864 ca bệnh và 583.362 ca tử vong.
Lộ trình tiêm vaccine COVID-19 tại TP HCM từ 01/9-15/9/2021
Ngày 4/9, Sở Y tế TP HCM đã ban hành công văn về việc tổ chức tiêm chủng vaccine COVID-19 từ ngày 01/9 -15/9/2021.
Theo đó, việc tổ chức tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Tiếp tục tiêm mũi 01 cho người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn Thành phố.
- Tiêm mũi 02 cho những người đã được tiêm mũi 01 đủ thời gian theo từng loại vaccine:
+ Những người đã tiêm mũi 01 bằng vaccine COVID-19 AstraZeneca trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 - 15/7/2021 (08-12 tuần).
+ Những người đã tiêm mũi 01 bằng vaccine COVID-19 Moderna trong khoảng thời gian từ ngày 01/8 - 15/8/2021 (04 tuần).
+ Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine COVID-19 Pfizer trong khoảng thời gian từ ngày 11/8 - 25/8/2021 (03 tuần).
+ Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine COVID-19 Vero Cell trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 - 25/8/2021 (03-04 tuần).
Đồng thời, Sở Y tế Thành phố yêu cầu UBND Thành phố Thủ Đức và và các quận, huyện tiếp tục huy động lực lượng thực hiện đảm bảo công suất khoảng 200 - 250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm.
Bên cạnh đó, triển khai các hình thức tiêm lưu động cho người dân không thể đến được điểm tiêm cố định như: Các xe tiêm lưu động, các điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc khu nhà trọ đông người, các tổ tiêm tại nhà,...
Bình Dương: Số ca COVID-9 qua sàng lọc trong cộng đồng đang có xu hướng giảm
Tối 4-9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 2.485 ca mắc COVID-19, giảm 32,4% (tương đương 1.192 ca) so với hôm qua. Đáng chú ý, số ca qua sàng lọc trong cộng đồng đang có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, số trường hợp bệnh nhân điều trị khỏi bệnh xuất viện hiện nay cao hơn ca nhập viện.
Cụ thể, riêng ngày 4/9, trên địa bàn Bình Dương có 3.640 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 72.679 người. Cùng ngày, các cơ sở y tế thu dung điều trị 2.368 bệnh nhân. Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 54.273 bệnh nhân.
Với xu hướng này, tình hình chống dịch COVID-19 đang từng bước đạt hiệu quả tốt trên các phương diện; trong đó có những kết quả nhờ đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, bóc tách hết F0 trong cộng đồng; công tác thu dung điều trị, phân loại F0 ngay tại cơ sở giảm thiểu ca bệnh nặng; đồng thời thần tốc tiêm vaccine nhanh nhất đến với người dân để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh...
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 128.893 ca mắc COVID-19, trong đó có 28.423 F0 không triệu chứng; 1.059 bệnh nhân tử vong.
Vĩnh Long: Nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 5/9
Chiều 4/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời ký quyết định áp dụng biện pháp giãn cách xã hội mới để phòng, chống dịch COVID-19.
Kể từ 0h ngày 5 đến 15/9, tỉnh Vĩnh Long áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn so với Chỉ thị 15, thay vì Chỉ thị 16 đã thực hiện từ ngày 19/7 đến nay.
UBND tỉnh Vĩnh Long nới lỏng thời gian và yêu cầu người dân không ra đường trong thời gian từ 19h đến 4h hôm sau.
Tỉnh cũng yêu cầu không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Vĩnh Long tiếp tục dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng và duy trì việc "đi chợ thay" cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Người dân hạn chế ra đường, không tự ý di chuyển ra ngoài tỉnh. Người di chuyển từ vùng dịch về Vĩnh Long phải cách ly tập trung 14 ngày và tự trả chi phí, trừ các trường hợp được miễn giảm.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa được hoạt động trở lại, chờ cho đến khi có thông báo mới.
Từ ngày 9/7 đến 4/9, Vĩnh Long đã ghi nhận 2.090 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.839 người đã được điều trị khỏi bệnh.
Theo Suckhoedoisong