Sao Mai Nguyệt Anh: Thích mặc áo dài và hát dân ca

Sao Mai Nguyệt Anh: Thích mặc áo dài và hát dân ca

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Ngay sau khi gặt hái thành công rực rỡ từ mùa Sao Mai 2011, Lương Nguyệt Anh cô gái đến từ Bắc Giang đã cho ra mắt DVD "Bờ sông vẫn gió" khá hoành tráng với mức chi phí đầu tư bạc tỉ. Không ít người cả trong lẫn ngoài giới cho rằng cô đang chơi trội bởi có đại gia “chống lưng”.

Nguyệt Anh hẹn trả lời phỏng vấn của người viết ngay chính trong khuôn viên căng tin Học viện âm nhạc Quốc gia (Hà Nội), nơi cô đang theo học.

Xã hội - Sao Mai Nguyệt Anh: Thích mặc áo dài và hát dân ca

Ca sĩ Lương Nguyệt Anh

Chỉ yêu người đàn ông có hiếu với bố mẹ mình

Chào Nguyệt Anh, rời giải Sao Mai 2011 là bắt tay ngay vào thực hiện DVD đầu tay, có phải bạn đang tranh thủ tối đa sức nóng tên tuổi của mình?

Thực ra tôi đã ấp ủ dự định về album nhạc đầu tay từ năm 2009, khi lần đầu tiên tham gia giải Sao Mai và lọt vào top 9 chung cuộc dòng nhạc dân gian. Mặc dù không đạt giải cao nhất nhưng năm đó được xem là bước đệm cho những thành công tiếp theo của tôi trong các cuộc thi như Tiếng hát mùa thu Hà Nội và mới nhất là Sao Mai 2011.

DVD "Bờ sông vẫn gió" giống như một món quà mà tôi muốn dành cho bố mẹ, bạn bè và những khán giả đã yêu quý và ủng hộ tôi trong suốt cuộc thi. Giải quán quân là ước vọng được ấp ủ bằng chính đam mê nghề nghiệp và sự nỗ lực cố gắng. Tranh thủ độ nóng của tên tuổi không có gì là sai. Nhưng hơn hết, tôi cảm thấy, mình khát khao được làm việc. Tôi đã không có nhiều thời gian để nhấm nháp hào quang.

Không ít ý kiến cho rằng, Nguyệt Anh tham gia Sao Mai với một ê kíp hùng hậu nên việc đoạt giải quán quân là đương nhiên?

Người ta nói đến sự hùng hậu ở đây chắc là do Nguyệt Anh nhận được sự giúp đỡ từ các cô giáo có tên tuổi trong nghề. Nhưng nếu gọi như thế là hùng hậu thì thí sinh nào chẳng thế. Điều mà Nguyệt Anh cảm thấy hơn họ đó là sự hỗ trợ từ phía gia đình. Trong suốt thời gian ở Huế, bố mẹ và em gái đã luôn cùng sát cánh và ủng hộ Nguyệt Anh. Điều đó góp phần giúp tôi luôn thể hiện tốt nhất phần thi của mình.

Còn về những bộ áo dài được bạn đầu tư với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng?

Hàng trăm triệu đồng là tính tổng số nhiều bộ thôi. Chứ tính riêng một bộ chỉ đắt lắm là 30 triệu. Kinh nghiệm từ những cuộc thi trước cho thấy trang phục là một vấn đề rất quan trọng. Vì thế ở mùa giải Sao Mai 2011, Nguyệt Anh muốn mình có được hình ảnh chỉn chu nhất. Đó cũng là một cách để thể hiện sự tôn trọng của mình dành cho khán giả và cuộc thi.

Nhiều người cho rằng bạn có đại gia “chống lưng” nên mới có được sự đầu tư “khủng” như thế?

Cái này thì nhiều người nghi ngờ lắm (cười) nhưng thực sự là chẳng có đại gia nào cả. Nếu có thì tốt quá, vì theo quan niệm của Nguyệt Anh, đại gia là những người đáng trân trọng. Họ có tài hơn người thì mới làm được đại gia chứ. Một cô gái mà tìm được cho mình một đại gia thì tốt quá.

Quan niệm như thế, vậy tiêu chí người yêu của bạn có phải là đại gia trở lên?

Không hẳn là như vậy. Và không hẳn cứ điều gì mình muốn là được. Nguyệt Anh cũng không đặt ra một tiêu chí cụ thể nào về chàng trai của mình. Chỉ biết rằng, đó phải là người khiến trái tim mình yêu, rung động. Nếu đó là một đại gia thì càng tốt (cười). Tuy nhiên, tôi luôn ghi nhớ điều bố nói với con gái mình rằng: "Con hãy yêu người đàn ông có hiếu với bố mẹ của anh ta ".

"Chẳng có sự ăn xổi ở thì nào bền cả"

Nguyệt Anh có một vóc dáng ngoại hình mà nhiều cô gái trẻ mơ ước, cộng với một chất giọng ngọt ngào trời phú, có khi nào bạn cảm thấy tài năng của mình nếu chỉ bó hẹp trong dòng nhạc dân gian là chưa đủ?

Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ ấy. Là ca sĩ trẻ, Nguyệt Anh không dám nói nhiều về đạo đức nghề nghiệp, vì sẽ có nhiều người cho rằng mình diễn. Nhưng tôi yêu nghề của mình lắm, có thể sống chết với nghề. Những ngày đi thi Sao Mai, đêm nằm ngủ tôi toàn mơ thấy mình đứng trên sân khấu. Làm DVD thì ăn ngủ rồi trăn trở với từng nốt nhạc, dàn cảnh. Tôi dành hết mọi tâm huyết cho kế hoạch công việc của mình. Thành công đến không phải quá dễ dàng, nhưng tôi cảm thấy mình đã được đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng. Với tôi, được mặc áo dài và hát dân gian là một hạnh phúc tuyệt vời không thể đòi hỏi hơn.

Xã hội - Sao Mai Nguyệt Anh: Thích mặc áo dài và hát dân ca (Hình 2).

Bạn nghĩ sao về hiện tượng “một bước thành sao” trong một số bộ phận ca sĩ hiện nay?

Khái niệm “một bước thành sao” chỉ có ở dòng nhạc nhẹ. Chứ với dòng nhạc dân gian thì ít có " chuyện cổ tích" này lắm (cười). Nói là vậy nhưng bản thân Nguyệt Anh không bao giờ muốn so sánh. Vì mỗi dòng nhạc đều có một đặc trưng riêng. Nhạc nhẹ cũng sang lắm đấy. Còn chuyện “một bước thành sao” ở một bộ phận ca sĩ trẻ, tôi cảm thấy họ đang bị những giá trị ảo đánh lừa. Hoặc họ tự lừa chính mình, hoặc một bộ phận khán giả đang lừa họ...

Có lần do vô tình, Nguyệt Anh nghe được một số ca khúc nhạc thị trường và mình không hiểu tại sao người ca sĩ đó vẫn có thể thu âm, phát hành rồi tự nhận mình là ca sĩ được. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là vẫn có một số bộ phận công chúng nghe thể loại nhạc đó. Vì suy cho cùng thì văn hóa thưởng thức âm nhạc của họ còn thấp. Nhưng Nguyệt Anh nghĩ, đã là nghệ sĩ hoặc ít nhất là có ý thức muốn trở thành nghệ sĩ thì nên có lòng tự trọng nghề nghiệp. Đừng ăn xổi ở thì với chính đam mê của mình. Vì chẳng có sự ăn xổi ở thì nào bền cả.

Nguyệt Anh bây giờ đã thành sao rồi, cuộc sống của bạn có thay đổi nhiều so với trước đây không?

Chưa lúc nào tôi nghĩ mình là sao. Vì tôi vẫn còn đi học, vẫn còn phải cố gắng rất nhiều cho sự nghiệp. Bố mẹ tôi khá nghiêm khắc và cách dạy con vẫn còn rất truyền thống. Vì vậy, tôi luôn đặt sự giản dị, nề nếp lên đầu tiên trong cuộc sống. Điều ấy cũng gần gũi với dòng nhạc dân gian mà Nguyệt Anh theo đuổi.

Sau thành công ở Sao Mai, tôi nghe nói cát - xê của bạn lên đến 300 triệu đồng, điều đó có đúng không?

Đó là lời mời của một chương trình ở nước ngoài. Nhưng tiếc rằng Nguyệt Anh không thể tham gia được vì không thể bỏ bê việc học ở trường. Khi nhận được lời mời này, tôi cũng khá bất ngờ. Tuy nhiên, mình hiểu rằng, với những người xa xứ, họ khát khao và trân trọng những ca khúc về quê hương. Có lẽ vì thế mà họ cũng trân trọng những người ca sĩ hát dòng nhạc ấy.

Ca sĩ vẫn thường than thở về những quỹ thời gian làm việc khác người, bạn thì sao?

Đúng là có nhiều lúc mình thấy thời gian làm việc của mình trái khoáy với thiên hạ thật. Ví dụ như buổi tối khi thiên hạ về nhà và nghỉ ngơi sau một ngày làm việc thì mình lại đi diễn. Về đến nhà đã tờ mờ sáng. Nhưng đã xác định nghề của mình là nghề phục vụ nên phải tuân thủ những đặc trưng của nó. Nếu sống đàng hoàng và chân chính thì không ai nói được mình.

Trong môi trường nghệ thuật phức tạp, không ít cô gái trẻ, vì kinh nghiệm sống còn non nớt đã bị sa ngã trước sự xô bồ của cuộc sống, bạn nghĩ gì về điều này?

Lửa thử vàng, gian nan thử sức mà. Những giá trị thực sẽ luôn được trân trọng và tôn vinh. Đừng đổ lỗi cho môi trường nghệ thuật. Chính họ, một bộ phận lạm dụng danh nghĩa nghệ sĩ - đã mang đến cho nghệ thuật sự phức tạp thì đúng hơn. Riêng với bản thân mình, tôi luôn tự tin vào sự bản lĩnh và nề nếp đạo đức đã được bố mẹ giáo dục.

Cám ơn Nguyệt Anh về cuộc trò chuyện!

Đào Bích