Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến của các cơ quan, người dân về dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu.
Theo đó, quy định về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật lao động sẽ là cơ sở cho việc quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu trong pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Do vậy, bên cạnh việc quy định tuổi nghỉ hưu tại Điều 169, Bộ luật lao động còn sửa đổi, bổ sung Điều 54 và Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014 về điều kiện hưởng lương hưu tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật lao động.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật lao động thì Điều 54 và Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội đã được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 169 của Bộ luật lao động, đồng thời bổ sung những nội dung quy định chi tiết tại Điều 6 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về cơ bản quy định về điều kiện hưởng lương hưu theo khoản 1 Điều 219 của Bộ luật lao động đã khá đầy đủ và chi tiết. Chính vì vậy, dự thảo Nghị định tại điều này chỉ dẫn chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật lao động; đồng thời quy định phụ lục công việc khai thác than trong hầm lò trên cơ sở kế thừa quy định phụ lục công việc khai thác than trong hầm lò tại Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định tại điều này cũng quy định điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật lao động.
Cụ thể, điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
a) Đối với người lao động có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động và Điều 3 của Nghị định này, trừ trường hợp quy định tại điểm b Khoản này.
b) Đối với người lao động có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo các điểm a, b khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động và Điều 3, Điều 4 của Nghị định này.
c) Đối với lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khỉ nghỉ việc có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đủ tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.
Người lao động hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2021 thì điều kiện hưởng lương hưu vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội.
Về thời gian thực hiện, dự thảo Nghị định nêu: Người lao động hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021 trở đi thì điều kiện hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật lao động và quy định tại Nghị định này. Riêng trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu tháng 12/2020 và hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2021 thì vẫn thực hiện theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật bảo hiểm xã hội.
Từ ngày 1/1/2021, các quy định của chế độ hưu trí gắn với điều kiện về tuổi hưởng lương hưu theo các Điều 54, Điều 55, khoản 1 Điều 73 của Luật bảo hiểm xã hội được thực hiện theo tuổi nghỉ hưu và điều kiện về tuổi hưởng lương hưu tại Điều 169, khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động và quy định tại Nghị định này.
Hoàng Mai