Sau 6 tháng xung đột ở Ukraine, hàng hóa Nga vẫn “chảy” vào Mỹ

Thứ 6, 26/08/2022 03:54

Vào một ngày mùa hè năm nay, một tàu container khổng lồ đã cập cảng Baltimore của Mỹ với những lô hàng tấm ván ép, thanh nhôm và các vật liệu phóng xạ. Tất cả đều có nguồn gốc từ Nga.

img

Các container hàng hóa ở cảng Baltimore của Mỹ hôm 12/8. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết "giáng đòn đau" vào nước Nga bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào một số mặt hàng như vodka, kim cương và xăng, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây 6 tháng.

Nhưng hàng trăm loại hàng hóa khác của Nga, trị giá hàng tỷ đô la, vẫn tiếp tục đổ vào các cảng biển Mỹ. 

Hãng tin AP (Mỹ) phát hiện hơn 3.600 chuyến hàng chở gỗ, kim loại, cao su và một số mặt hàng khác của Nga đã cập cảng Mỹ kể từ cuối tháng 2 - thời điểm Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Tuy con số này có sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (6.000 chuyến), nhưng vẫn mang lại giá trị thương mại hơn 1 tỷ USD mỗi tháng. 

Thực tế, không quốc gia nào muốn quá trình giao thương bị dừng lại sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng có thể gây hại cho các ngành đó ở Mỹ hơn là ở Nga, theo hãng tin AP. 

"Khi chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt với Moscow, thương mại toàn cầu có thể bị gián đoạn. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải cân nhắc xem biện pháp trừng phạt nào mang lại tác động lớn nhất nhưng cũng không gây gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu", Jim O’Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các lệnh trừng phạt, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay. 

Theo các chuyên gia, nền kinh tế toàn cầu gắn bó mật thiết với nhau tới mức các lệnh trừng phạt phải được giới hạn trong phạm vi nào đó, nhằm tránh làm giá cả tăng vọt trong thị trường thế giới luôn biến động. 

Một phân tích hàng hóa nhập khẩu từ Nga cho thấy, một số mặt hàng không nằm trong danh sách trừng phạt, thậm chí còn được chính quyền của ông Biden khuyến khích như phân bón. Các mặt hàng bị cấm hiện tại như dầu và khí đốt Nga vẫn tiếp tục đổ tới các cảng biển Mỹ rất lâu sau khi Washington tuyên bố các lệnh trừng phạt. Lý do là bởi các thời kỳ "wind down" (một khoảng nghỉ trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực), cho phép các công ty hoàn thành các hợp đồng ký từ trước. 

Konstantin Sonin, một nhà kinh tế học người Nga đang giảng dạy tại Đại học Chicago (Mỹ), cho biết: "Các lệnh trừng phạt vẫn có ý nghĩa. Dù chúng không thể triệt tiêu 100% nhưng vẫn có thể làm giảm doanh thu". 

Theo AP, Nga và Mỹ chưa bao giờ là đối tác thương mại lớn. Vì vậy, việc áp các lệnh trừng phạt nhập khẩu chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược trả đũa. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực công nghệ gây thiệt hại cho kinh tế Nga. Việc trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga cũng "đóng băng" quyền tiếp cận của Nga với khoảng 600 tỷ USD dự trữ ở Mỹ và châu Âu. 

Dẫu vậy, các biện pháp trừng phạt vẫn bị đánh giá là mang tính biểu tượng nhiều hơn thay vì ảnh hưởng trên thực tế. 

Nguyễn Thái - AP

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.