Bỗng từ dưới một miếng bánh ngọt bay vù vào mặt cô ca sỹ. Chạy vào sau hậu trường cô đưa tay lau vội giọt nước mắt, nhận tiền cát sê. Thế là xong một đêm làm việc. Đấy là chuyện thường ngày của giới ca sĩ phòng trà, và đâu đó ở Sài thành này họ vẫn bị coi là xướng ca vô loài.
Mọi ngôi sao đều bắt đầu từ phòng trà
Hành trình lạc lối
Tôi quen Hoài Hương (tên đã thay đổi theo yêu cầu của nhân vật -TG) trong một lần lang thang ở một phòng trà cách đây hơn 2 năm. Lần ấy tôi nghe Hoài Hương nghêu ngao hát bên quán nước ngay cổng trường, phải công nhận giọng hát nghe rất mượt khiến người ta chú ý. Lần đó tôi chỉ biết Hoài Hương là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng nhạc họa tại TPHCM, một cô giáo dạy nhạc trong tương lai.
Một lần khác ngồi quán cà phê nhạc sống ở đường Cao Thắng (Quận 10), khi bài hát kết thúc, ánh đèn trên cái sân khấu nhỏ bằng chiếc chiếu sáng rõ, tôi nhận ra Hoài Hương. Hỏi ra mới biết em là ca sĩ hát cho quán được 3 tháng nay. Tiếp cận Hoài Hương, em cười gượng gạo và ngay sau đó hát tặng tôi bài Kiếp cầm ca. Tiếng hát nghe não nề kéo tôi về thành phố, nơi đó có những ca sĩ hát cho một lượng khán giả nhỏ, họ hát vì nghệ thuật thì ít, vì mưu sinh thì nhiều.
Hoài Hương kể, em sinh ra một huyện miền núi nghèo của tỉnh Nghệ An. Học chữ đã khó nói chi đến học nhạc, nên cái nghề như Hoài Hương có về quê cũng trở thành ế ẩm. Gia đình khó khăn, tiền học của Hoài Hương gia đình không kham nổi nên em đành tìm việc làm thêm. Mới đầu là bưng bê cà phê. Một lần đi làm cho quán cà phê nhạc sống ở quận Phú Nhuận em thấy ca sĩ ở đây thu nhập cao hơn. Vốn có giọng hát hay Hương liền đổi nghề đi hát phòng trà. Mỗi đêm Hoài Hương được trả 100.000 đồng, một tuần Hương chạy sô 3 quán.
Gần một năm sau, Hương ra trường nhưng không về quê mà vẫn tiếp tục đi hát phòng trà. Ra trường, có nhiều thời gian hơn nên em chạy sô được nhiều quán. Lúc này tiếng tăm của ca sĩ phòng trà Hoài Hương đã khá nổi trong làng ca hát phòng trà ở Sài thành. Em đã có người yêu là một doanh nhân. Vì mê tiếng hát của Hương nên anh đã tiếp cận, hứa sẽ xin việc cho em. Hoài Hương lao theo cuộc tình như một kẻ say.
Không lâu sau đó tôi gặp lại em, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ em kể cho tôi nghe trong tiếng nức nở. Khi giọt máu của anh chàng người yêu thành hình hài cũng là lúc anh ta quất ngựa truy phong. Đau khổ em đành đi giải quyết cái thai và lại âm thầm khép mình trong căn nhà trọ. Hàng đêm Hoài Hương vẫn đi hát tại các phòng trà, các quán cà phê. Tiếng hát của em nghe não lòng, nhiều tâm sự hơn.
Cạm bẫy nghề hát
Danh từ ca sỹ phòng trà hình thành từ hàng chục năm nay, trong đó có ý coi thường những người làm nghề mua vui cho kẻ có tiền. Ngày nay, không đơn giản là phòng trà, cà phê mà còn phục vụ quán ăn nhậu. Và chưa bao giờ phòng trà ca nhạc lại mọc lên nhiều như bây giờ. Có lẽ bắt nguồn từ nhu cầu của Thượng đế là không thích uống và ăn suông.
Ảnh minh họa
Ngày nay, phần nhiều các ca sĩ nhạc trẻ cũng đi lên từ sân khấu ca nhạc phòng trà. Họ đến đây hát rồi vô tình lọt vào mắt một ông bầu sô nào đó. Thế là từ một ca sĩ vô danh, trải qua công nghệ lăng xê trở thành ngôi sao ca nhạc, thành thần tượng của một số bạn trẻ. Xem ra, cách bước lên bục vinh quang của nền nhạc trẻ hiện nay khá đơn giản, và cách ngắn nhất là qua phòng trà.
Việc ca hát phòng trà là hoàn toàn lành mạnh, nói cách khác, đó là nghề kiếm sống chính đáng. Nhưng phía sau ánh đèn sân khấu này là cả một kho chuyện. Một tối cuối tuần, chúng tôi đến quán nhạc sống trên đường Phan Đăng Lưu (phường 3, Phú Nhuận). Trên sân khấu, một nam ca sĩ đang lắc lư người, bên cạnh anh là một dancer mặc váy ngắn, áo hai dây uốn éo theo điệu nhạc hỗn tạp. Bên dưới sân khấu nghi ngút khói thuốc, sặc mùi rượu tây. Hỏi dò tên tuổi anh chàng ca sĩ thì được nghe cái tên lạ hoắc.
Một thông tin về ca sĩ này là anh ta bị pêđê, thường xuyên cặp với khách Tây. Những chuyện vậy không phải là điều lạ ở các phòng trà ca nhạc. Nhiều vị khách đến đây chỉ với mục đích là tìm hàng nên các ca sĩ lọt vào tầm ngắm của các đại gia là điều không tránh khỏi.
Sau tiết mục của anh chàng ẻo lả ấy đến lượt Thu Tâm, một ca sỹ vừa mới ở miền Bắc vào tìm cơ hội nổi tiếng. Tâm vốn là đàn em của Hoài Hương. Nghe kể rằng, trước đây Thu Tâm đã từng khăn gói theo Hoài Hương học nghề. Hoài Hương hiểu đời hơn Thu Tâm, cô đã chăm sóc đứa em rất chu đáo về nghề cũng như cuộc sống thường nhật cho đến khi có chút tiếng tăm, được các đại gia để mắt.
Thấy Thu Tâm đang dần dần lạc bước vào cạm bẫy, Hoài Hương đã khuyên em rất nhiều nhưng không được. Để không bị rầy la, Thu Tâm dọn ra ở chung với một đại gia bất động sản và quên đi người chị thưở chia nhau gói mỳ. Nghe nói, để đứng được với cái nghề bạc bẽo này, Thu Tâm đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, trong đó có thể xác để mong ngày mình được lăng xê, trở nên nổi tiếng và đắt sô như các đàn anh, đàn chị cũng từng Nam tiến. Thế nhưng đắt sô đâu chẳng thấy, thành sao đâu chẳng thấy, chỉ thấy một Thu Tâm tàn tạ đi bởi bia rượu và thuốc lá.
Hẳn chưa ai quên vụ cô ca sĩ X bị người tình tung ảnh lên mạng. Cô hát chính cho một phòng trà và đã lọt vào mắt anh chàng từ nước ngoài về, đang có chút tiền. Chính anh chàng đã tiết lộ trên báo chí, mới đầu chỉ là làm quen và có trả giá cho những lần yêu. Không hiểu thế nào họ lại trở thành người yêu của nhau và rồi tung hê nhau lên cũng chỉ vì chuyện tiền bạc.
Không có may mắn đi từ mua bán đến một tình yêu như cô ca sĩ kia, không ít ca sĩ phòng trà sau giờ hát là những cuộc mua phấn bán hương. Lúc lên sân khấu những ca sĩ này cố gắng ăn mặc, đi đứng làm sao tạo cảm xúc cho khán giả và một trong số các vị khán giả đó không tiếc tiền để có được họ trong đêm. Hát không phải là một nghề hái ra tiền như nhiều người thường nghĩ, nhất là đối với các nghệ sĩ chân chính, sống bằng giọng ca của mình. Thế nhưng, nhiều ca sĩ phòng trà mặc những bộ cánh mà tính bằng tiền hát có lẽ họ phải bỏ ra đến hai tháng lương, rồi những chiếc xe xịn. Với những ca sĩ này, hát chỉ là cái cớ.
Vĩ Thanh
Không ít ca sĩ thành danh bắt đầu bằng nghiệp ca hát phòng trà, nhưng đó là họ đã lao động thực sự, đã cống hiến hết mình và đi lên bằng tài năng của mình. Không thể phủ nhận nhiều phòng trà từng là bệ phóng đưa giọng ca của ca sĩ trở thành gương mặt tài năng. Và hầu hết các ca sĩ đã thành danh hiện nay vẫn tham gia hát phòng trà, đó là việc kiếm sống chính đáng, bằng chính năng lực của mình.
Trước khi cầm bút viết bài này, khoảng 4 tháng tôi nhận được tin của Hoài Hương, quê em đã đưa môn nhạc họa vào dạy trong trường và em là giáo viên dạy nhạc đầu tiên ở đây. Hôm vừa rồi em lại gọi điện báo tin sắp lấy chồng, chồng em là giáo viên thể dục dạy cùng trường. Mừng cho em! Tôi hứa ngày cưới em tôi sẽ vào nghe em hát nhưng là hát trong đám cưới em. Bên tai tôi vẫn văng vẳng đâu đây tiếng hát của em: "Đừng khóc nữa em ơi, xin đừng khóc nữa làm gì. Đời người ca sỹ đáng thương và đáng được yêu!".
Tú Gia