Sau mưa, cá chết nổi lềnh bềnh trên kênh Nhiêu Lộc
Sau trận mưa vào chiều 7/5, nước kèm rác thải từ hệ thống cống đổ về kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM khiến nước kênh càng bị ô nhiễm hơn bị ô nhiễm.
Ghi nhận vào trưa 8/5, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ cầu số 1 đến cầu số 3 (quận Tân Bình) và các khu vực gần cầu Hoàng Hoa Thám (nối quận 1 và quận Phú Nhuận), khu vực cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) xuất hiện nhiều xác cá nổi lên cùng rác thải trôi dạt hai bên bờ kênh.
Nhiều đoạn xác cá xen lẫn với rác nổi trên mặt kênh
Đa số cá chết là cá rô phi, cá chép… nổi lềnh bềnh trên mặt nước xen lẫn với rác thải. Tại một số đoạn kênh xuất hiện cá nổi nhiều trên mặt kênh với dòng nước đen ngòm, nổi bọt và ngập ngụa rác thải. Những con cá phải bơi qua các bãi rác trong dòng nước đen ngòm để đớp không khí.
Nhiều người dân cho rằng có thể cá chết nhiều ở kênh là do những ngày qua nước mưa tràn từ các ống cống chảy ra kênh kéo theo nước bẩn.
Đa số cá chết là cá rô phi, cá chép… nổi lềnh bềnh trên mặt nước xen lẫn với rác thải.
“Đoạn kênh qua đây có nhiều bùn, nước đen ngòm. Cá chết sau mưa lớn thì năm nào cũng xảy ra. Bình thường cứ sau một đợt nắng nóng và có mưa lớn thì cá lại chết. Rác thải, nước bẩn ô nhiễm sau mưa thì cá gì sống được”, anh Trần Văn Phong sống ở đường Hoàng Sa (quận Tân Bình) chia sẻ.
“Mong rằng số lượng cá chết ít chứ đừng có chết trắng kênh như mấy năm trước, nhìn xót lắm. Từ dòng kênh ô nhiễm được TP cải tạo, kênh đang hồi sinh, cá bơi lội tung tăng trên nước nên chúng tôi ai cũng phấn khởi”, anh Lê Văn Lâm người dân ở quận Tân Bình nói.
Nhiều đoạn kênh rác thải đặc kín trên mặt nước
Người dân cho rằng có thể cá chết nhiều ở kênh là do những ngày qua nước mưa tràn từ các ống cống chảy ra kênh kéo theo nước bẩn.
Trước đó,vào giữa năm 2016, hơn 70 tấn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chết nằm kín mặt kênh. Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá chết là do cơn mưa đầu mùa cuốn trôi nhiều chất bẩn trên đường, cống rảnh đổ xuống kênh gây ô nhiễm.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,5 km, sâu khoảng 8 m, chảy qua quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, chiều rộng trung bình 27 m. Tuyến kênh bắt đầu tại cửa cống hộp ở đường Út Tịch (quận Tân Bình) rồi đổ ra sông Sài Gòn ở gần xưởng đóng tàu Ba Son (quận 1).
Gia Thành