Sau sáp nhập, Đồng Nai “tăng tốc” với mục tiêu GRDP 10% năm 2025

Nguyễn Văn Khánh

Nguyễn Văn Khánh

Thứ 6, 04/07/2025 15:51

Sau sáp nhập, Đồng Nai trở thành địa phương có quy mô lớn về diện tích và dân số. Tỉnh đặt mục tiêu GRDP đạt 10% trong năm 2025 với trọng tâm là giải ngân đầu tư công, cải cách hành chính và thu hút mạnh các nguồn lực phát triển.

Ngày 4/7, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Kế hoạch số 2331 về hành động thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2025, với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10%.

Diện tích lớn, dân số đông là lợi thế để bứt phá kinh tế

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025.

Sau sáp nhập, Đồng Nai “tăng tốc” với mục tiêu GRDP 10% năm 2025- Ảnh 1.

Một góc khu trung cư A1, A2 phường Trấn Biên.

Cùng với đó, sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Đồng Nai hiện nay trở thành địa phương có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông, thị trường rộng và nguồn lao động dồi dào. 

Đó là những lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ban ngành, chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế theo từng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm; đồng thời đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện.

Một trong những giải pháp được xác định mang tính quyết định là giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, xem đây là đòn bẩy quan trọng để tạo động lực tăng trưởng.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 10%. Để đạt được kết quả trên, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) và người dân phải đồng lòng, nỗ lực phấn đấu. 

Trong đó, Đồng Nai sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm là giải ngân vốn đầu tư công; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án để thực hiện đúng tiến độ; tăng xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Sau sáp nhập, Đồng Nai “tăng tốc” với mục tiêu GRDP 10% năm 2025- Ảnh 2.

Một góc ngã tư phường Bình Phước.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kết quả tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đạt khoảng 8,23%, xếp hạng 13/34 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh trong thời gian qua. 

Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai sẽ cao hơn bình quân chung của cả nước gần 1%. Hiện nay, Đồng Nai có quy mô kinh tế khoảng 26 tỷ USD, lớn thứ 4 cả nước. Do đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao sẽ đóng góp rất lớn cho nền kinh tế chung của Việt Nam.

Để đạt được kết quả trên, từ đầu năm, tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (cũ) đã đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, với chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều lĩnh vực được phân cấp, phân quyền cho cấp xã sẽ tạo thuận lợi cho các cá nhân, DN trong thực hiện dự án trên các lĩnh vực. Dự kiến cấp xã sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm… 

Thời gian qua, các dự án ở Đồng Nai bị chậm tiến độ, đa số vướng ở khâu quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt. Do đó, các DN đều hy vọng Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc triển khai các hồ sơ, thủ tục ở cấp xã, cấp tỉnh để DN biết và thực hiện. Các dự án triển khai nhanh, sớm đưa vào khai thác sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đồng Nai hiện đã có nhiều tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài đang triển khai các dự án. Trong đó có những dự án có vốn đầu tư lên đến vài ngàn tỷ đồng, nhưng đang ở khâu thực hiện hồ sơ, thủ tục. 

Vì thế, nếu các hồ sơ về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng được đơn giản, giải quyết nhanh sẽ tạo thuận lợi cho các DN giải ngân nhanh nguồn vốn vào tỉnh. Đồng thời, các DN cũng sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.

Thu hút đầu tư vào KCN vốn là thế mạnh của tỉnh

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới có diện tích hơn 12,7 nghìn km2 cùng với 52 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, đang hoạt động, tỉnh Đồng Nai mới tiếp tục là địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Sau sáp nhập, Đồng Nai “tăng tốc” với mục tiêu GRDP 10% năm 2025- Ảnh 3.

Các công nhân đang tập trung sản xuất tại công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (xã Đồng Phú).

Việc thu hút đầu tư vào KCN vốn dĩ là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai. Năm 2024, tỉnh Đồng Nai (cũ) tiếp tục duy trì tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt 1,45 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2023. 

Các doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư vào tỉnh hơn 138.000 tỷ đồng. Với tỉnh Bình Phước (cũ), năm 2024 thu hút 35 dự án FDI với tổng mức đầu tư đăng ký mới hơn 639 triệu USD, đạt gần 160% kế hoạch cũng là kết quả quan trọng.

Riêng 5 tháng đầu năm nay, tỉnh Đồng Nai (cũ) thu hút đầu tư FDI đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 4 cả nước; tỉnh Bình Phước (cũ) thu hút FDI đạt gần 225 triệu USD với 33 dự án đầu tư và tăng vốn.

Như vậy, tỉnh Đồng Nai mới thu hút trên 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Với quy mô, không gian phát triển được mở rộng, tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển DN tại các KCN sẽ là rộng mở.

Cùng với địa phương, chủ đầu tư các KCN cũng đang mong đợi "làn sóng" mới trong thu hút đầu tư. Để sẵn sàng đón "sóng", các KCN trên địa bàn cần phải thể hiện được sức cạnh tranh và những lợi thế của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, năm 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10% trở lên. Tỉnh sẽ xây dựng thêm các KCN mới, từ đó gia tăng thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tỉnh luôn đồng hành cùng DN, thường xuyên gặp gỡ các DN để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, giúp DN hoạt động hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai mới có nhiều KCN đang xây dựng hạ tầng, hoặc đã được chấp thuận đầu tư, chuẩn bị triển khai xây dựng mới để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. 

Tỉnh đang định hướng để tạo ra các KCN mới, phát triển chuyên ngành, công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, việc xúc tiến kêu gọi đầu tư chiều sâu nhằm để nâng giá trị gia tăng các sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.