Sau vụ “trải nghiệm” khóa tu ở chùa Cự Đà: Lời khuyên từ chuyên gia giáo dục

Thứ 4, 21/06/2023 00:22

“Đừng thấy người ta cho con đi cũng hào hứng cho con theo mà không cân nhắc đến yếu tố sức khỏe, tâm lý, môi trường…” - TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh nói.

Phụ huynh không nên thả nổi

Vừa qua, dư luận xôn xao thông tin về một bà mẹ ở Hà Nội đăng tải hình ảnh con trai tham gia khóa tu mùa hè tại chùa Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oa, TP Hà Nội) nhưng bị bạn đánh gây chấn thương phần mềm.

Liên quan đến vụ việc trên, chia sẻ với PV, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam cho rằng: Hoạt động hè cho trẻ là hoạt động rất tốt, không nên cấm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát nơi tổ chức khóa học có thực hiện đúng như cam kết, tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn cho các học viên tham gia khóa học hay không?

img

Thông tin chị G.N.N. chia sẻ trên mạng xã hội

Về sự việc xảy ra ở chùa Cự Đà, TS Nguyễn Tùng Lâm đánh giá, sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã lập tức vào cuộc, hoạt động khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà cũng đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, sau sự việc này, cần kiểm tra, đánh giá trách nhiệm quản lý của đơn vị tổ chức khi để xảy ra vụ việc khiến học sinh tham dự khóa tu phải đi bệnh viện.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiện nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng tự phát để lợi dụng, thu tiền của phụ huynh học sinh. Do đó, phụ huynh phải cân nhắc về nội dung trải nghiệm hoạt động hè là gì, có an toàn không?

“Phụ huynh không nên cứ đăng ký cho con tham gia trại hè rồi thả nổi, không quản lý giám sát. Như vậy, dễ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Tôi kiến nghị các cấp nên quan tâm chăm lo cho trẻ em nhiều hơn trong dịp hè, nên tổ chức các hoạt động hè một cách nghiêm túc và có tính giáo dục, an toàn, mang lại hiệu quả cho trẻ. Đặc biệt, phụ huynh phải giám sát để bảo vệ quyền lợi của con em mình. Nếu không làm đúng cam kết phải kiến nghị xử lý” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Lựa chọn thế nào cho phù hợp?

Để tránh “tiền mất, tật mang” khi đăng ký cho trẻ đi trại hè, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh đã có những lưu ý đặc biệt đến phụ huynh như: Lựa chọn trại hè phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Trại hè thường được thiết kế cho các lứa tuổi khác nhau. Vì vậy, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về lứa tuổi được chấp nhận tham gia trại hè và đảm bảo rằng trẻ đã đủ tuổi để tham gia. Việc lựa chọn trại hè phù hợp với lứa tuổi của trẻ sẽ giúp trẻ tận hưởng được những trải nghiệm phù hợp với sự phát triển của họ.

Ngoài ra, trại hè có rất nhiều chương trình khác nhau, từ kỹ năng, thái độ, kiến thức, học kỳ quân đội, công an, thể thao, nghệ thuật đến khoa học và công nghệ. Phụ huynh cần tìm hiểu về sở thích và nhu cầu của trẻ và chọn trại hè có chương trình phù hợp. Điều này sẽ giúp trẻ tận hưởng được trại hè và tạo động lực cho trẻ để tham gia.

“Đừng thấy người ta cho con đi cũng hào hứng cho con theo mà không cân nhắc đến yếu tố sức khỏe, tâm lý, môi trường…

Đặc biệt, vấn đề đảm bảo an toàn và chất lượng của trại hè là rất quan trọng. Phụ huynh cần tìm hiểu về chương trình, cơ sở vật chất, kinh nghiệm của giáo viên, cán bộ nhân viên và các quy định an toàn tại trại hè. Nếu có thể, phụ huynh cần đến thăm trại hè và trò chuyện với những người đã từng tham gia để có được thông tin chính xác.” - TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh nói.

Theo TS Vũ Việt Anh, việc tham gia trại hè cần phải xem xét chi phí và thời gian. Phụ huynh cần tìm hiểu về chi phí của trại hè và xác định xem liệu có phù hợp với ngân sách gia đình hay không. Ngoài ra, phụ huynh cần xác định thời gian tham gia trại hè để đảm bảo rằng trẻ không bị ảnh hưởng đến việc học trong năm học tiếp theo.

Trước đó, chị G.N.N. đăng tải trên mạng xã hội phản ánh việc con trai 11 tuổi tham gia khóa tu 5 ngày (12-16/6) ở chùa Cự Đà.

Tại đây, con trai chị N. bị bạn đánh ở khóa tu. Sau đó nhà chùa đưa cháu bé đi chụp chiếu ở bệnh viện nhưng không thông báo cho gia đình. Đến khi kết thúc khóa tu, đến đón con, chị N. thấy con mình mặt mũi nhem nhuốc, chân tay nhiều vết muỗi đốt.

Con chị N. nói bị bạn đánh bằng ghế gỗ, không được tắm, nhà vệ sinh bẩn và phải ngủ dưới nền đất. Về đến nhà, bé kêu đau, tay cử động khó khăn nên chị N. đưa con đi khám và lúc này mới biết con bị chấn thương phần mềm.

Sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nếu phát hiện cơ sở vi phạm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục. Trong đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân và gia đình bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị với trẻ trong các khóa học, trong đó có trại hè. Địa điểm trẻ em tham gia hoạt động phải an toàn, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giới tính; phòng nghỉ, khu vực vệ sinh cá nhân phù hợp; bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, trẻ em có quyền hủy bỏ việc tham gia nếu thấy hoạt động này không đáp ứng hoặc không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng. Các cơ quan, đơn vị khi tổ chức các hoạt động này phải công khai chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, kinh phí, nhân lực. Đồng thời, đề nghị UBND các cấp tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị tổ chức hoạt động ngoài gia đình, nhà trường.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB & XH, hiện chưa ghi nhận trường hợp vi phạm quy định quyền trẻ em về tổ chức trại hè và cơ quan chức năng cũng chưa xử phạt trường hợp nào thực hiện sai quy định. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nếu phát hiện cơ sở vi phạm.

Thực tế, Cục Trẻ em đã khảo sát và phát hiện vẫn còn một số nơi tổ chức trại hè chưa bảo đảm về cơ sở vật chất, chương trình, mức độ an toàn, quyền riêng tư của trẻ chưa được đề cao. Do đó, phụ huynh cần nghiên cứu kỹ chương trình, kiểm tra việc ăn uống, nơi ở cho phù hợp với sở thích, nguyện vọng, giới tính và an toàn cho các con.

Diệu Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.