Nôn mửa trên sóng livestream
Uống rượu trên sóng trực tiếp (livestream) đang trở thành trào lưu bùng nổ và gây tranh cãi ở Trung Quốc. Những chương trình phát sóng dạng này đã thu hút hàng triệu người theo dõi, trong khi các phương tiện truyền thông chính thống đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mặc dù đã xuất hiện từ vài năm trước, nhưng các video có người phát trực tiếp (streamer) “uống rượu như hũ nút” mới chỉ trở nên thịnh hành từ đầu năm ngoái.
Điều ngạc nhiên là những người phát trực tiếp say sưa cả ngày như vậy lại có hàng triệu người hâm mộ. Một số có thể thực hiện các buổi phát trực tiếp uống rượu từ bốn đến năm lần một tuần với nỗ lực duy trì lượng khán giả và thu hút những người theo dõi mới.
Nữ streamer nổi tiếng đến từ Nội Mông, Duoduoqimuge, đã uống hết 5 chai bia dung tích 620ml chỉ trong một lần lên sóng. Một vài người khác uống tới 10 chai rượu 500ml có nồng độ cồn cao trong một lần phát trực tiếp. Kết quả là một số bị nôn mửa hoặc bất tỉnh trước ống kính.
Những người khác uống ít nhưng lại uống loại rượu rất mạnh, chẳng hạn như một streamer đã uống một chai rượu mạnh 100ml với nồng độ cồn hơn 55%.
Sau khi một số khán giả đặt câu hỏi liệu những người phát trực tiếp có uống rượu mạnh thực sự hay không, một số streamer đã châm lửa vào đồ uống để làm bằng chứng.
Điều này dẫn đến việc khán giả thường xuyên yêu cầu đốt đồ uống để làm minh chứng về nồng độ cồn. “Tôi không tin bạn nếu bạn không châm lửa đốt rượu”, tờ The Beijing Daily trích dẫn bình luận của một người xem. Các báo cáo cho biết, trong một số trường hợp, quần áo của người phát trực tiếp cũng bị bắt lửa.
Trong một bài xã luận hồi đầu tuần, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc có bài xã luận nói rằng phát trực tiếp uống rượu bia nên bị cấm.
“Đây là kiểu phát trực tiếp cạnh tranh tửu lượng để có lượng truy cập trực tuyến. Nó vi phạm những quy chuẩn xã hội và đang đổi mạng sống lấy tiền”, bài báo viết.
Vào năm 2019 một người đàn ông theo đuổi sự nghiệp nổi tiếng trên mạng đã chết sau khi livestream uống rượu hàng ngày trong suốt ba tháng để kiếm tiền trực tuyến.
Li Yan, bác sĩ tim mạch từ Bệnh viện Dongfang thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc Bắc Kinh, cho biết so với trào lưu ăn uống vô độ trên mạng (Mukbang), xu hướng uống rượu say thậm chí còn gây hại nhiều hơn.
“Uống rượu mạnh sẽ có hại hơn vì bản thân rượu làm tổn thương cơ thể chúng ta, đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị huyết áp cao, tiểu đường hoặc cholesterol trong máu cao”, bác sĩ Li cho biết.
Hệ lụy của Mukbang
Trào lưu uống rượu livestream chỉ bùng nổ sau khi các cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra các lệnh cấm đối với “Mukbang”, hình thức phát trực tiếp mà streamer ăn uống vô độ trước mặt hàng triệu người hâm mộ. Trong nửa cuối năm ngoái, trào lưu này đã bị cấm vì không lành mạnh và lãng phí.
Mukbang là một hiện tượng giải trí toàn cầu xoay quanh nội dung ăn uống quá mức tiêu thụ của một người bình thường. Nó bắt nguồn từ Hàn Quốc vào cuối những năm 2000 khi phát trực tiếp bắt đầu phát triển.
Nhân vật phát trực tiếp thường lên sóng khi đang ăn với khối lượng đồ ăn rất lớn, thường tạo ra tiếng động khi ăn, vừa ăn vừa tương tác với khán giả. Đến năm 2015, Mukbang đã trở thành một “tiểu văn hóa” chính trong lĩnh vực giải trí trực tuyến của Hàn Quốc và là một xu hướng ngày càng tăng ở các thị trường quốc tế như Trung Quốc và Bắc Mỹ.
Ở Trung Quốc, Mukbang đã trở thành một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp thực phẩm và giải trí đang bùng nổ, tạo ra hơn 28 tỷ lượt xem trên Douyin (ứng dụng TikTok của Trung Quốc).
Tuy nhiên, đế chế mất nhiều năm để xây dựng này dường như đã bị lật đổ trong vòng vài ngày.
Chất xúc tác cho sự thay đổi này là “Chiến dịch Đĩa ăn sạch 2.0” được Trung Quốc vận động vào ngày 11/8/2020.
Trong một thông cáo quốc gia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang rình rập và nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm lãng phí thực phẩm.
Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc đã ngay lập tức phát sóng các phân đoạn chỉ trích những người làm Mukbang vì hành vi lãng phí của họ. Những “ông vua bụng bự” bị cho là những nhà quảng cáo vô trách nhiệm, họ không ăn hết nhưng sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa để đánh lừa khán giả.
Cú đánh cuối cùng đến khi các nền tảng phổ biến như Douyin và Kuaishou bắt đầu kiểm duyệt các nội dung liên quan và xóa các tài khoản Mukbang để đáp ứng yêu cầu “làm sạch truyền thông” của cơ quan quản lý không gian mạng.
Tính đến giữa tháng 9/2020, hơn 13.600 tài khoản và hàng triệu video Mukbang đã bị xóa, để lại cho cộng đồng nước này sự tiếc nuối.
Cư dân mạng đã chia rẽ về lệnh cấm, khi nhiều người hâm mộ lên tiếng ủng hộ quyền tự do sáng tạo nội dung của những người phát trực tiếp. Một số ý kiến cho rằng, Mukbang giúp những người cô đơn có được niềm vui được tương tác mỗi ngày, cùng với đó là hiệu ứng ASMR (âm thanh khi ăn) giúp họ cảm thấy dễ chịu và bình tâm.
Xu hướng này càng trở nên thành công khi người phát trực tiếp là những cô gái xinh đẹp ăn những con tôm hùm khổng lồ, những tô mì chất đầy ắp, hay mâm bánh mì kẹp thịt xếp chồng lên nhau.
Đến tháng 12/2020, Trung Quốc đã đề xuất luật cấm các video lan truyền ăn uống lãng phí. Luật sẽ phạt lên tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.290 USD) đối với bất kỳ người sáng tạo nội dung, nghệ sĩ giải trí hoặc doanh nghiệp nào tham gia vào việc lãng phí thực phẩm, bao gồm các chương trình truyền hình và thậm chí cả dịch vụ ăn uống.
Sau khi quy định trở nên nghiêm ngặt hơn, các streamer cũng buộc phải thích nghi để tồn tại. Họ đã chuyển sang các nội dung có ích hơn như ăn uống các thực phẩm lành mạnh và đưa ra lời khuyên bổ ích cho người theo dõi.