Sẽ bổ sung chế tài xử phạt vi phạm về nhà ở xã hội

Sẽ bổ sung chế tài xử phạt vi phạm về nhà ở xã hội

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 15/03/2023 12:54

Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các quy định, chế tài thích hợp, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của ba đối tượng chính trong công cuộc xây dựng nhà ở xã hội.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

“Cử tri kiến nghị Bộ hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội, cần có những chế tài thích hợp để xử lý những đơn vị chưa tuân thủ theo luật định, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của ba đối tượng chính trong công cuộc xây dựng nhà ở xã hội”, nội dung kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Xây dựng, trong nhiều năm vừa qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp. Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động tại các khu công nghiệp đến nay đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.

Tuy nhiên với kết quả hoàn thành 7.950.000 m2 sàn nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020 , trong khi nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp hiện nay là rất lớn. Nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài, …một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Các chế tài xử lý những tổ chức, cá nhân có liên quan chưa tuân thủ luật định về nhà ở xã hội:

Tại khoản 6 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Mọi trường hợp cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở xã hội không đúng quy định của Luật này thì hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở không có giá trị pháp lý và bên thuê, thuê mua, mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.

Tại điểm e, h khoản 2 và khoản 3, 4, 5 Điều 63 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng có quy định cụ thể hành vi vi phạm của chủ đầu tư và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dành đủ diện tích xây dựng nhà ở xã hội, buộc chủ đầu tư thực hiện theo đúng thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, diện tích xây dựng nhà ở xã hội; buộc chậm nhất trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng nhà ở xã hội, buộc chủ đầu tư triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, buộc chủ đầu tư phải dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Tại điểm b, c khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ đã quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Hiện nay Bộ Xây dựng đang được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm về nhà ở xã hội), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). "Theo đó, bên cạnh những quy định nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các quy định, những chế tài thích hợp, đủ mạnh để xử lý những đơn vị chưa tuân thủ theo luật định, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích của ba đối tượng chính như kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các địa phương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này", Bộ Xây dựng thông tin.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.