Theo BGR, lần đầu tiên các nhà khoa học vừa quan sát được một siêu tân tinh biến đổi thành hố đen hoặc sao neutron. Phát hiện này được coi là "mắt xích" quan trọng, hé lộ quá trình chuyển đổi sao thành các thực thể đặc lớn bí ẩn trong vũ trụ.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà thiên văn học đã mong muốn tìm kiếm bằng chứng quan sát trực tiếp về quá trình sao lớn chuyển đổi thành hố đen hoặc sao neutron. Và giờ đây, khi quan sát một siêu tân tinh được phát hiện vào năm ngoái, họ có thể đã tìm thấy manh mối quan trọng.
Khi một ngôi sao đến cuối vòng đời, nó cạn kiệt nhiên liệu cần thiết để duy trì phản ứng tổng hợp hạt nhân - nguồn năng lượng chính cho các sao. Khi hết nhiên liệu, ngôi sao sẽ đẩy các lớp vật chất bên ngoài ra và lõi sụp đổ, tạo thành siêu tân tinh. Cú nổ siêu tân tinh này cuối cùng sẽ tạo ra một hố đen hoặc một sao neutron.
Vụ nổ cuối đời của một ngôi sao tạo ra siêu tân tinh.
Nghiên cứu mới tập trung vào siêu tân tinh SN 2022iji, được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái trong thiên hà NGC 157. Các nhà khoa học đã nhanh chóng hướng kính viễn vọng về phía vụ nổ để theo dõi diễn biến tiếp theo. Điều bất ngờ xảy ra, thay vì chỉ dần mờ đi như thông thường, siêu tân tinh này lại cho thấy những thay đổi độ sáng theo chu kỳ rõ ràng. Cứ 12,4 ngày, độ sáng của SN 2022iji lại tăng lên, quá trình này diễn ra trong khoảng 200 ngày. Sau đó, độ sáng sẽ mờ dần.
Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học ghi nhận được chu kỳ dao động độ sáng lặp lại nhiều lần trong đường cong ánh sáng của một siêu tân tinh. Họ tin rằng đây chính là "mắt xích" họ tìm kiếm bấy lâu nay, giúp giải mã bí ẩn quá trình chuyển đổi từ siêu tân tinh thành hố đen hoặc sao neutron.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature, mở ra cánh cửa cho những nghiên cứu sâu hơn về các siêu tân tinh trong tương lai. Hy vọng rằng, những quan sát mới sẽ hé lộ thêm nhiều chi tiết về quá trình này, giúp nhân loại hiểu rõ hơn về sự kỳ diệu của vũ trụ.
Phong Nguyễn