Ngày hôm qua (25/7) báo Tiền phong đưa tin, sau nhiều giờ tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận 1, TP.HCM vào sáng 25/7, tổ công tác đã tiến hành dừng xe để kiểm tra ngẫu nhiên đối với nhiều người dân bao gồm các shipper.
Nhiều người bị lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính dù đang đi giao hàng nhưng trên xe không phải các mặt hàng thiết yếu, không phải lương thực thực phẩm.
Trong đó, có một nhân viên giao hàng của cửa hàng Điện Máy Xanh tên N. (33 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TPHCM) chở chiếc tủ lạnh đi giao cho khách hàng, bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Khi anh N. trình bày đang chở hàng đi giao cho khách theo yêu cầu của cửa hàng, đại diện tổ công tác đã giải thích về những trường hợp được phép đi ra đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tăng cường, trong đó, tủ lạnh không phải hàng thiết yếu. Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi ra đường không thật sự cần thiết với anh N. Ngoài ra, người này còn bị lập biên bản các lỗi khác như không có giấy phép lái xe, không mang chứng minh nhân dân. Với các lỗi trên, anh N. bị phạt số tiền hơn 2 triệu đồng, tạm giữ phương tiện là xe máy.
Tiếp đó, ở trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 tổ công tác cũng yêu cầu tài xế giao hàng dừng xe để kiểm tra. Làm việc với lực lượng chức năng, tài xế trình bày đang đi giao hàng hóa cho khách. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác định hàng hóa mà người này đi giao là sạc điện thoại nên tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế này số tiền 2 triệu đồng. “Tôi không nắm rõ quy định nên không biết là giao cái này sẽ bị phạt. Giờ bị phạt thì tôi buộc phải chấp hành theo quy định”, tài xế giao hàng nói.
Theo báo điện tử Pháp luật TP.HCM, trước thực tế trên, sáng 26/7 một số hội nhóm và các shipper đã bàn luận sôi nổi về vấn đề này. Đa số các shipper đã e dè hơn khi nhận hàng trên app. Thậm chí, nhiều shipper sẵn sàng từ chối các mặt hàng mà người dân nhờ vận chuyển trong mùa dịch, hoặc vận chuyển hàng thiết yếu liên quận vì sợ sẽ không quay trở về được. Có shipper cho hay đã tắt app, không dám ra đường vì sợ bị phạt.
Sáng cùng ngày, chị Nguyễn Diễm Hằng gửi một thùng đồ ăn từ trong huyện Bình Chánh, TP.HCM trên app Ahamove. Tuy nhiên, gần 30 phút vẫn không tìm được shipper, dù giá cước được thông báo đã tăng thêm 20%.
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Anh (TP Thủ Đức) gửi một thùng hàng cho người bà con trên đường Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh) với giá cước 62.000 đồng. Tuy nhiên chị Hồng Anh chờ mãi cũng không có shipper nhận. Cuối cùng chị phải huỷ đặt hàng.
Theo chị Hồng Anh, hiện việc đặt giao trong TP Thủ Đức cũng rất khó khăn và rất ít shipper nhận đơn dù chị đã tìm shipper trên địa bàn TP Thủ Đức. Để đặt được 1 đơn hàng chị Hồng Anh phải chờ ít nhất 40 phút mới tìm được shipper. Ngoài việc khó tìm shipper thì giá cước đã tăng khoảng 10% so với trước đó.
Liên quan đến vến đề trên, Đại diện hãng Gojek cho biết hiện nay TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường một số biện pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, do vậy tài xế đi giao hàng phải qua nhiều chốt chặn, mất nhiều thời gian nên không đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Phía Gojek lý giải giá mỗi cuốc xe được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố khách quan như nhu cầu sử dụng và lượng xe và không có chuyện tăng giá cước lên cao.
Tuy nhiên, hiện nay người dân hạn chế ra khỏi nhà nên lượng đơn hàng tăng cao. Tài xế cũng giảm do nằm trong khu vực cách ly khiến không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.
Còn theo đại diện Grab, đơn vị đang rất lúng túng khi TP.HCM áp dụng nhiều quy định siết chặt hơn. Hiện doanh nghiệp cũng chưa thể liệt kê được đâu là mặt hàng thiết yếu để báo khách hàng và tài xế để nhận cuốc.
"Hiện có nhiều tài xế phải huỷ đơn hàng vì lo bị phạt"- vị này thông tin.
Quốc Tiệp (t/h)