Ngày 26/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra hơn 20 quốc gia trên thế giới. Trao đổi với báo giới, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết khoảng 200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Bà cho biết sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo khi việc giám sát mở rộng, song lưu ý sự lây lan căn bệnh này có thể kiểm soát được. Bà kêu gọi các chuyên gia y tế coi bệnh đậu mùa khỉ là một khả năng khi chẩn đoán các bệnh nhân bị phát ban đến thăm khám tại các phòng khám sức khỏe tình dục, khoa cấp cứu, phòng khám bệnh truyền nhiễm và phòng khám da liễu. Bà giải thích điều này không có nghĩa là bất cứ ai bị phát ban đều sẽ bị bệnh đậu mùa khỉ, nhưng cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này và đảm bảo rằng các quốc gia có đủ năng lực để xét nghiệm và cung cấp thông tin phù hợp.
Cùng ngày, Giám đốc CDC của Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết một số bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này đã không đi đến các quốc gia có dịch đang bùng phát, điều này cho thấy rằng virus đang lây lan trong nước. CDC đang tiến hành truy vết tiếp xúc nhằm nỗ lực phá vỡ các chuỗi lây truyền ở Mỹ.
Bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan sang Bắc Mỹ và Châu Âu trong những tuần gần đây, làm bùng phát dịch bệnh ở các quốc gia bên ngoài Trung và Tây Phi, nơi virus gây bệnh này lưu hành ở mức độ thấp trong 4 thập niên qua. Trong đó, chủng virus ở Tây Phi đang là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát bệnh này hiện nay. Chủng này gây bệnh nhẹ và hầu hết các bệnh nhân sẽ hồi phục sau vài tuần.
Trong bối cảnh số ca nhiễm/nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu đã lên hơn 300, WHO vừa đề nghị hợp tác với ICMR - Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ (ICMR-NIV) để kiểm tra các trường hợp nghi ngờ ở Đông Nam Á.
Theo The Hindu Times, ICMR-NIV là đơn vị xét nghiệm từng phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong cả nước và sau đó phân lập được virus, bao gồm các biến chủng cần được quan tâm.
Đề nghị đến từ văn phòng của WHO tại Ấn Độ yêu cầu phòng thí nghiệm này mở rộng phạm vi xét nghiệm chẩn đoán, hỗ trợ các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á lân cận khi có trường hợp nghi nhiễm.
Theo WHO, khu vực Đông Nam Á chiếm 1/4 dân số thế giới, 40% người nghèo toàn cầu và khoảng 30% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Ở nhiều nước, năng lực xét nghiệm, chẩn đoán và kiểm soát các mầm bệnh mới nổi còn hạn chế.
Theo Giám đốc ICMR-NIV Priya Abraham, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ mở rộng hỗ trợ về xét nghiệm cho các nước trong khu vực. "Chúng tôi đã làm điều đó đối với Covid-19. Đối với đậu mùa khỉ, chúng tôi đã đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ và sẽ chờ đợi yêu cầu chính thức từ các quốc gia".
Tiến sĩ Abraham cho biết hiện Ấn Độ chưa phát hiện ca đậu mùa khỉ nào, nhưng nhận định những đợt bùng phát ngoài phạm vi châu Phi gần đây là bất thường. "Hiện tại chúng tôi đang áp dụng chính sách chờ và theo dõi. Có 2 nhóm phòng thí nghiệm của viện đã sẵn sàng để thực hiện các xét nghiệm", bà nói thêm.
Quốc Tiệp (theo TTXVN, Người lao động)