Trước diễn biến số ca tăng nhanh tại Tp.Hà Nội, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cần nhanh chóng sớm có các kịch bản cụ thể để tránh một “làn sóng” dịch mới xuất hiện khi dịp tết đang cận kề.
Số ca F0 còn có thể tăng
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng không nên xét nghiệm diện rộng và cũng không nên quan tâm nhiều đến số lượng F0 là bao nhiêu, việc xét nghiệm diện rộng không giải quyết vấn đề.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, chúng ta tổ chức ra sao để F0 nhẹ không triệu chứng được cách ly tại nhà. Bởi, hiện nay đa số là các ca nhẹ, không triệu chứng. Nếu cách ly tại nhà được và xác định chung sống an toàn với Covid thì để F0 ở nhà nhưng phải đảm bảo cách ly an toàn.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho biết, dự báo số F0 sẽ còn tăng mà những trạm y tế lưu động hay những F0 ở tầng điều trị 1 sẽ quá tải.
“Những F0 bị nhẹ, không triệu chứng thì người dân hoàn toàn có thể tự theo dõi, đẩy mạnh hệ thống tư vấn từ xa, hỗ trợ từ các tổ Covid-19 cộng đồng, phát huy từ phòng khám tư nhân, từ các thầy thuốc đã nghỉ hưu… Còn tập trung hết vào trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến thì gây ùn tắc ở tầng ban đầu, tầng 1 mà ách tắc thì những trường hợp nặng cần chuyển lên tuyến trên sẽ chậm, nhẹ thành nặng.
Bởi, người bệnh không chỉ bị tâm lý vì bị nhiễm mà còn liên quan đến tâm lý, ăn uống, ngủ nghỉ, tinh thần… nếu ở bệnh viện dã chiến hay trạm y tế lưu động thì khó có điều kiện đảm bảo được. Bài học này đã được rút ra từ Tp.HCM rồi, chúng ta không nên lặp lại”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, để người bị nhiễm thể nhẹ, không triệu chứng điều trị, theo dõi tại nhà cần có chủ trương nhất quán, chứ không phải người dân xét nghiệm dương tính chờ mấy ngày mới có quyết định cách ly tại nhà hay cách ly tập trung. Như vậy, rất nguy hiểm và gây hoang mang cho người bệnh.
Vị chuyên gia y tế này cũng nhấn mạnh người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan mà vẫn phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, hạn chế tập trung đông người và luôn phải trong tâm thế bảo vệ bản thân và gia đình.
Khi biết người thân trong gia đình bị F0 thì phải biết nhà mình cách ly như thế nào, phương tiện cách ly, thuốc men, địa chỉ liên hệ tư vấn của thầy thuốc… Tất cả những điều đó phải được thông tin, tuyên truyền nhất quán đến người dân.
Nhanh chóng kiểm soát tình hình
Cũng cùng ý kiến với vấn đề trên, trao đổi với Người Đưa tin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá việc người dân đi lại nhiều, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 với người lành là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng chỉ nên khoanh vùng nguy cơ để xét nghiệm, không cần thiết phải xét nghiệm diện rộng như đợt dịch trước.
Ông Phu cho biết: “Hiện nay đa phần số ca F0 đều không có triệu chứng nên tại những nơi công cộng nếu không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi đó sẽ tạo ra nhiều F0, xuất hiện nhiều ổ dịch mới”.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng việc số ca mắc tăng cao trên địa bàn thành phố trong thời điểm này là điều đương nhiên và có thể trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay Tp.Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng cao thêm nữa. Chuyên gia phân tích, nếu số F0 tăng cao quá sẽ khiến hệ thống y tế quá tải.
Khi đó người bệnh sẽ không được tiếp cận với hệ thống y tế và được điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp mắc Covid-19 chuyển bệnh nặng, nguy cơ tỷ lệ ca mắc tử vong tăng cao.
“Trong lúc này, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất”, ông Phu Bày tỏ.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, cần sự vào cuộc có trách nhiệm của người dân và chính quyền, nếu chỉ riêng ngành y tế sẽ không thể thực hiện thành công và kiểm soát được dịch bệnh.
Ông Phu cũng đưa ra một số khuyến cáo tới người dân trong bối cảnh hiện nay: “Nếu người dân cho rằng đã tiêm vắc-xin là buông xuôi, thả lỏng, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng lên rất nhiều.
Chúng ta phải ứng xử trong từng môi trường cho phù hợp, chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp, đặc biệt thời gian tới”.
Ngoài ra, một số giải pháp giúp hạn chế sự quá tại ở hệ thống y tế cơ sở là chính quyền cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, kiểm tra giám sát.
Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ y tế để người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời theo phân tầng điều trị, tránh tử vong.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng một lần nữa khuyến cáo việc tiêm vắc-xin hiện nay vẫn là cần thiết, vì vậy vẫn phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm phủ đầy đủ 2 mũi vắc-xin cho người dân.
Cần chuẩn bị phương án tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho những đối tượng bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và tiến tới tiêm những mũi nhắc lại cho tất cả người dân vì Tp.Hà Nội là địa bàn nguy cơ rất cao.
Hoàng Bích - Hồng Bích