Số phận mô hình trung lập của Phần Lan sẽ sớm được quyết định

Số phận mô hình trung lập của Phần Lan sẽ sớm được quyết định

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 2, 11/04/2022 08:44

NATO khẳng định cánh cửa liên minh “vẫn rộng mở”, trong khi Điện Kremlin tuyên bố sẽ "tái cân bằng tình hình" trong trường hợp Phần Lan gia nhập liên minh này.

Phần Lan đang đứng trước một quyết định lịch sử có khả năng được thực hiện "trước giữa mùa hè": Có nên nộp đơn xin gia nhập NATO như một biện pháp răn đe chống lại sự gây hấn của Nga hay không.

Quốc gia Bắc Âu có 5,5 triệu dân này theo truyền thống là không liên kết về quân sự, một phần là để tránh khiêu khích nước láng giềng phía Đông, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km (830 dặm).

Nhưng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, bắt đầu vào ngày 24/2, đã chứng kiến sự ủng hộ của công chúng Phần Lan đối với việc gia nhập NATO tăng gấp đôi, từ 30% lên thành 60%, theo một loạt các cuộc thăm dò.

Nếu thực sự gia nhập NATO, điều đó nghĩa là Phần Lan sẽ kết thúc mô hình trung lập đã duy trì kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

"Đừng bao giờ đánh giá thấp năng lực của người Phần Lan trong việc đưa ra quyết định nhanh chóng khi thế giới thay đổi", cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nói với AFP.

Bản thân là một người ủng hộ NATO lâu năm, ông Stubb hiện tin rằng việc Phần Lan nộp đơn xin gia nhập liên minh này là "một kết quả đã được báo trước" khi người Phần Lan đánh giá lại mối quan hệ của họ với nước láng giềng.

Tuần tới, một cuộc đánh giá an ninh quốc gia do Chính phủ ủy quyền sẽ được chuyển đến Quốc hội (Eduskunta), để giúp các nghị sĩ Phần Lan đưa ra quyết định cho riêng mình, trước khi một cuộc bỏ phiếu được tiến hành.

"Chúng tôi sẽ thảo luận cực kỳ cẩn thận nhưng không làm mất nhiều thời gian", Thủ tướng Sanna Marin phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 8/4.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ kết thúc cuộc thảo luận trước giữa mùa hè”, bà cho biết thêm.

"Tôi cho rằng đơn xin gia nhập sẽ được nộp vào khoảng tháng 5" ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào tháng 6 ở Madrid, Tây Ban Nha, ông Stubb nhận định.

Thế giới - Số phận mô hình trung lập của Phần Lan sẽ sớm được quyết định

Phần Lan có chung đường biên giới phía Đông với Liên bang Nga. Ảnh: Brittanica

Lập trường thay đổi

Phần Lan tuyên bố độc lập vào năm 1917 sau 150 năm dưới sự cai trị của Sa hoàng nước Nga. Trong Thế chiến II, Phần Lan nhượng một số khu vực biên giới cho Liên Xô.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Phần Lan đồng ý giữ đất nước ở vị thế trung lập để đổi lấy đảm bảo hòa bình từ Moscow.

Phần Lan cho đến nay vẫn nằm ngoài liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Mặc dù một số khoản đầu tư vào quốc phòng đã bị cắt giảm sau Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu này vẫn duy trì những khả năng quốc phòng nhất định.

“Chúng tôi có thể huy động 280.000-300.000 quân trong vòng vài ngày”, ông Stubb cho biết, và bổ sung rằng 900.000 lính dự bị cũng có thể sẵn sàng được gọi.

Tuần trước, Chính phủ Phần Lan đã đồng ý tăng 40% chi tiêu quốc phòng vào năm 2026, để củng cố hơn nữa vị thế của đất nước.

“Chúng tôi đã đi một chặng đường dài khi nói đến các chính sách an ninh của mình và chúng đã hoạt động hiệu quả cho đến nay”, Nghị sĩ Joonas Kontta của Đảng Trung tâm cho biết.

Giống như phần lớn các thành viên trong Quốc hội, Nghị sĩ Kontta từng nghĩ rằng tư cách thành viên NATO là "thứ mà chúng tôi không cần vào lúc này".

Nhưng cuộc xung đột vũ trang Nga – Ukraine đã "thay đổi điều gì đó ở châu Âu theo cách không thể đảo ngược", Nghị sĩ Kontta nói với AFP, đồng thời bày tỏ ý kiến cá nhân rằng đã đến lúc cần tìm cách gia nhập liên minh.

Một số nghị sĩ gần đây cũng đã chia sẻ những thay đổi tương tự về quan điểm liên quan đến "câu hỏi NATO" của Phần Lan, trong khi nhiều nghị sĩ khác vẫn giữ lập trường của mình để chờ các cuộc thảo luận chi tiết hơn.

Ý kiến trái chiều

Chỉ có 6 trong số 200 Nghị sĩ của Phần Lan, trong một cuộc thăm dò gần đây của đài truyền hình công cộng Yle, đã công khai nói lên quan điểm chống NATO, bao gồm Nghị sĩ Markus Mustajarvi từ Đảng Liên minh Cánh tả.

Sự không liên kết của Phần Lan và Thụy Điển "đã mang lại sự ổn định cho toàn bộ Bắc Âu", Nghị sĩ Mustajarvi nói với AFP.

Vị Nghị sĩ này đặt câu hỏi liệu cam kết theo Điều 5 của NATO về phòng thủ tập thể có cung cấp sự bảo vệ thực sự trong trường hợp một thành viên bị tấn công hay không.

Ông cho rằng khả năng phòng thủ của Phần Lan mạnh đến mức nó sẽ buộc Nga phải nghĩ tới cái giá phải trả nếu tấn công quốc gia Bắc Âu này.

Mặc dù nhận được "đủ loại phản hồi" từ công chúng và các Nghị sĩ khác về lập trường của mình, ông Mustajarvi khẳng định ông đã "suy nghĩ kỹ điều này đến cùng và cho đến nay tôi không thấy có lý do gì để thay đổi quan điểm của mình".

Vùng xám”

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, giới lãnh đạo Phần Lan đã tiến hành một loạt các cuộc đàm phán chuyên sâu để thu thập ý kiến từ các quốc gia NATO khác về khả năng trở thành thành viên của Phần Lan.

Cùng với nước láng giềng Thụy Điển, Phần Lan đã nhận được sự đảm bảo công khai từ Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng cánh cửa của liên minh vẫn rộng mở, cũng như sự ủng hộ của nhiều thành viên bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng việc cố gắng gia nhập NATO có thể bị Điện Kremlin coi là một hành động khiêu khích.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã cảnh báo rằng Nga có thể phản ứng bằng các cuộc không kích, các tấn công trên bộ và các cuộc tấn công hỗn hợp.

Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ "tái cân bằng tình hình" trong trường hợp Phần Lan gia nhập NATO.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pekka Haavisto thừa nhận rằng Nga có thể tìm cách phá hoại quá trình kết nạp trong giai đoạn gọi là “vùng xám”, một giai đoạn có thể kéo dài từ 4 tháng đến một năm để nhận được sự phê chuẩn của tất cả 30 quốc gia NATO.

"Phần Lan phải luôn cố gắng tránh xa vùng xám này", ông Stubb cho biết, nhưng ông tin rằng Phần Lan có khả năng chống chọi với bất kỳ cuộc tấn công hỗn hợp hay sự gây hấn tiềm tàng nào trong tương lai.

Thế giới - Số phận mô hình trung lập của Phần Lan sẽ sớm được quyết định (Hình 2).

Các nước thành viên EU và NATO ở khu vực châu Âu. Phần Lan hiện đang là thành viên EU. Ảnh: NPR

Minh Đức (Theo NDTV)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.