Sở Văn hóa Hải Phòng 'vạch' nhiều bất cập tại hội chọi trâu Đồ Sơn

Sở Văn hóa Hải Phòng 'vạch' nhiều bất cập tại hội chọi trâu Đồ Sơn

Thứ 7, 08/07/2017 | 14:01
0
Liên quan đến sự cố trâu chọi húc chết chủ ngày 1/7 tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lại Đình Ngọc - PGĐ sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng về việc này.

Theo ông Ngọc, sự cố dẫn đến trâu chọi húc tử vong chủ ngày 1/7 tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là điều đáng tiếc. Sau khi xem xét toàn bộ sự việc, sở Văn hóa và Thể thao TP.Hải Phòng thấy nhiều bất cập từ quy chế, hoạt động của lễ hội này.

PV: Thưa ông, trước khi tổ chức lễ hội, UBND quận Đồ Sơn đã gửi “Quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017”. Khi nhận được quy chế đó, Sở có xem xét và đóng góp gì về các điều quy định trong đó, đặc biệt là Điều 12 nói về trách nhiệm của chủ trâu khi bị trâu tấn công?

Ông Lại Đình Ngọc: Quy chế này được UBND quận Đồ Sơn ban hành từ tháng 5/2016, nghĩa là nó đã được triển khai từ năm ngoái, chứ không phải năm nay mới triển khai. Trách nhiệm của Sở là phải tham gia đóng góp quy chế nhưng tham gia trên cơ sở quận mời họp có văn bản xin ý kiến đóng góp, xây dựng thì chúng tôi mới trả lời. Phòng Quản lý Di sản năm ngoái cũng chưa nhận được văn bản nào của quận gửi về, chúng tôi sẽ kiểm tra lại qua bộ phận văn phòng.

Trong quy chế, không chỉ như Điều 12, chúng tôi còn phát hiện thêm một số sơ hở khác trong quy chế trên cơ sở thực tế diễn ra sự cố vừa rồi. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải làm việc lại với UBND quận Đồ Sơn về vấn đề này để chỉnh sửa, bổ sung lại.

PV: Hiện nay, một phường có rất nhiều người muốn đăng ký tham gia Lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, ban tổ chức (BTC) lại quy định các phường tự lựa chọn ra 4 trâu để tham gia vòng loại. Liệu quy định này có làm nảy sinh tiêu cực hay không, thưa ông?

Ông Lại Đình Ngọc: Điều này thì trách nhiệm thuộc về cơ quan tổ chức phía quận Đồ Sơn, thanh tra Sở chỉ kiểm tra hoạt động trước, trong và sau khi lễ hội diễn ra. Việc phát sinh tiêu cực có hay không, thanh tra Sở cũng không nắm được. Chủ yếu là BTC lễ hội cũng như UBND phường nắm rõ hơn.

Việc các phường tự lựa chọn 4 trâu tham gia lễ hội, Sở cũng chỉ căn cứ vào quy chế mà BTC lễ hội đưa ra để kiểm tra chứ không thể kiểm tra ngoài cái quy định mà họ đưa ra được.

Tuy nhiên, ngay trong văn bản báo cáo UBND TP.Hải Phòng và bộ VH,TT&DL, Sở đã đề nghị bỏ tổ chức vòng đấu loại, chỉ đấu vòng chung kết. Bởi vì bản chất của lễ hội chọi trâu ngày xưa của các cụ chỉ có 1 lần đấu vào ngày 9/8 âm lịch. Còn việc chọn trâu vòng loại để vào trận chung kết như thế nào thì đó là việc nội bộ của quận Đồ Sơn.

PV: Vậy có hay không dấu hiệu thương mại hóa lễ hội chọi trâu, thưa ông?

Ông Lại Đình Ngọc: Những năm trước, biểu hiện về thương mại hóa như cờ bạc trá hình rất rõ. Nhưng một vài năm gần đây, nhờ sự chấn chỉnh nhắc nhở, xử lý nghiêm của chính quyền địa phương, thanh tra chuyên ngành của Sở nên vấn đề này cũng đã được hạn chế. Đâu đó trên địa bàn quận Đồ Sơn vẫn còn tình trạng này và chúng tôi sẽ tiếp tục chấn chỉnh. Về vấn đề tài chính, quận Đồ Sơn không báo cáo nên Sở không nắm được.

Xã hội - Sở Văn hóa Hải Phòng 'vạch' nhiều bất cập tại hội chọi trâu Đồ Sơn

 Ông Lại Đình Ngọc trả lời phỏng vấn của PV.

PV: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Vậy cấp quận đứng ra tổ chức lễ hội này có hợp lý không, thưa ông?

Ông Lại Đình Ngọc:  Lễ hội là lễ hội của dân, đặc biệt là lễ hội dân gian truyền thống như thế này thì cần phải giao cho dân. Ở đây, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không còn là lễ hội cấp làng xã nữa nên phải giao cho chính quyền cấp quận thì mới đủ năng lực để tổ chức.

Nếu nói đúng chức năng thì chính quyền cấp thành phố không nên đứng ra tổ chức những lễ hội truyền thống, lễ hội của dân. Những lễ hội mới như Lễ hội Hoa phượng đỏ, một sản phẩm du lịch đặc thù mà chúng ta đang dần dần xây dựng thương hiệu, đặc biệt trong những giai đoạn đầu mới hình thành và tổ chức thì thành phố nhất thiết phải đứng ra chủ trì. Lễ hội truyền thống là của nhân dân, hình thành từ dân gian thì phải để nhân dân tổ chức. 

PV: Thưa ông, trong việc chủ trâu bị húc tử vong tại vòng đấu loại vừa rồi, trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Lại Đình Ngọc: Chuyện này phải căn cứ vào quy chế của UBND quận Đồ Sơn đưa ra. Quy chế này có tính chất pháp lý giữa đơn vị tổ chức, chủ trâu và có quy định trách nhiệm cụ thể. Thực tế, BTC cũng đã có phương án xử lý tình huống chậm khi con trâu quay sang tấn công chủ, bản thân chủ trâu cũng có cái chủ quan khi ra sân có ý ra hiệu lệnh cho trâu đấu tiếp. Nếu như BTC có bộ phận trực với súng điện hay súng gây mê ở đó thì có thể đã can thiệp kịp thời.

Hôm tổ chức vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng có mặt của đại diện các phòng, thanh tra sở Văn hóa và Thể thao. Khi xảy ra sự việc, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo BTC dừng trận đấu để xử lý. Để xảy ra sai sót hoặc sự cố, trách nhiệm thuộc về tập thể, cá nhân nào thì cần được làm rõ và xử lý. Hiện nay, mới chỉ đến bước các cơ quan báo cáo kết quả, khắc phục sự cố. Sau đó, UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyễn Dịu - Phạm Trang