Ngày 12/1/2022, Hội Luật gia Việt Nam và UNICEF đã phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến lần thứ hai tham vấn cho Tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực với trẻ em. Hoạt động này nằm trong Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP. Chương trình do hai cơ quan này của Liên Hợp Quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam. Đồng thời, hoạt động cũng được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.
Tài liệu truyền thông này đã được Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với chuyên gia xây dựng, tổ chức lấy ý kiến tham vấn lần thứ nhất vào đầu tháng 11/2021. Cuộc hội thảo lần này được tổ chức với mục đích tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đội ngũ thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý để tiếp tục hoàn thiện Tài liệu.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh cho biết, trong những năm qua Hội Luật gia Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung và cho phụ nữ, trẻ em nói riêng. Trong suốt quá trình đó, Hội Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ có hiệu quả của UNICEF. Gần đây nhất là hoạt động xây dựng tài liệu tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực với trẻ em.
“Sau hội thảo lần 1 diễn ra hồi tháng 11/2021, nhóm chuyên gia cùng Hội Luật gia Việt Nam đã chỉnh sửa, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo. Hội thảo lần 2 hôm nay với mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến tiếp thu của các đại biểu trước khi hoàn thiện, tổ chức sản xuất và đưa vào sử dụng trong công tác tuyên truyền”, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ tại buổi khai mạc, Bà Nguyễn Thanh Trúc, chuyên gia về quyền trẻ em của UNICEF cho biết công tác truyền thông nâng cao nhận thức, phổ biến và giáo dục pháp luật luôn được coi là giải pháp trọng tâm trong hoạt động phòng, ngừa xâm hại người chưa thành niên ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua tình hình bạo hành, mua bán người chưa thành niên vẫn còn rất phức tạp. Điều đó, đặt ra yêu cầu phải nhìn nhận lại về công tác truyền thông về rất nhiều phương diện…
“Tôi mong muốn rằng sau cuộc họp ngày hôm nay, Hội Luật gia Việt Nam có thể cùng nhóm tác giả và đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thành việc in ấn, sản xuất, đăng tải những sản phẩm truyền thông này lên trang web chính thức và trang mạng xã hội (nếu có) của Hội Luật gia cũng như các chi Hội luật gia các địa phương, và phân phát đến tận tay trẻ em, cha mẹ, cũng như mọi người dân trong cộng đồng”, bà Thanh Trúc bày tỏ.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được lắng nghe phần trình bày về những nội dung của Tài liệu và tiếp tục cho các ý kiến xác đáng, hữu ích để nhóm tác giả và đơn vị tư vấn hoàn thiện bộ tài liệu.