Chiều nay (29/6), ngay sau khi môn thi cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kết thúc, Bộ GD&ĐT đã có buổi họp báo thông tin về kỳ thi. Quy trình ra đề thi và vấn đề vi phạm quy chế thi là những nội dung được dư luận hết sức quan tâm.
Đề Ngữ văn vẫn có sự trùng lặp nội dung
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi do phóng viên đặt ra liên quan đến đề thi năm nay có sự trùng lặp với các đề thi thử ở Nghệ An đối với câu nghị luận văn học. Và câu nghị luận xã hội giống với đề thi vào lớp 10 của Tp.Hà Nội khi cùng hỏi một vấn đề liên quan đến cảm xúc trong cuộc sống.
Ngoài ra, các đánh giá cũng cho rằng đề thi chưa có sự đổi mới, sáng tạo, không hạn chế được lối dạy văn mẫu, về đề thi trắc nghiệm không có sự phân hoá rõ ràng giữa các câu hỏi.
Trước những vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT cho biết, năm nay đề thi năm nay giữ ổn định. Các nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa.
“Điểm mới của kỳ thi, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng thực hiện quy trình có kiểm soát trùng lặp đề thi bằng phần mềm đối với tất cả các môn thi. Theo đó các cơ sở dữ liệu đề thi sẽ được đưa vào, đối sánh nhằm hạn chế sự trùng lặp của các đề thi”, ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, tính hiệu quả vẫn phụ thuộc cao vào dữ liệu được cung cấp đối với 2 đề thi nêu trên, ông Hà cho rằng chỉ trùng ngữ liệu nhưng khác lệnh hỏi và điều này là hoàn toàn bình thường vì thực tế tổng số chỉ có 15 tác phẩm được chọn làm đề thi.
Đối với cách ra đề văn theo lỗi cũ, ít tính mở, ông Nguyễn Ngọc Hà nhận định đề thi Ngữ văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn. Phần đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao.
Với phần đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình GDPT 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định.
Về vấn này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định đề thi là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Cùng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, kỳ thi năm nay tiếp tục có những đổi mới từ quy trình ra đề đến lựa chọn cán bộ.
“Đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách”, Thứ trường đánh giá.
Xử lý vi phạm theo quy định và có tính nhân văn
Về nội dung vi phạm quy chế thi liên quan đến sử dụng thiết bị công nghệ cao, Bộ GD&ĐT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bên để ngăn chặn các trường hợp gian lận xảy ra. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng đây là vấn đề phức tạp, khó tránh khỏi và chỉ xảy ra ở một vài trường hợp cá biệt.
Cụ thể ở trường hợp 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) thông tin sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử lý theo quy định nhưng cũng cần tính đến yếu tố nhân văn.
Ngoài ra các đối tượng liên quan (là những người nhận đề thi từ bên ngoài) cũng đã xác định được và sẽ tiếp tục xác minh việc có đáp án truyền vào phòng thi hay không, đến nay thì chưa phát hiện có dấu hiệu này.
Cũng tại buổi họp báo, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo về kỳ thi. Cụ thể, năm nay, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Điều này theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thể hiện vai trò của ứng dụng công nghệ trong triển khai thi.
Bộ đánh giá công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt cao nhưng trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi.
Năm nay số thí sinh vi phạm quy chế thi là 41 thí sinh (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 03 thí sinh. Trong đó có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).