Mặc dù Bao Công (hay còn gọi là Bao Chửng) có vợ con nhưng vì được người dân Trung Quốc thần thánh hóa nên gia quyến của vị quan thanh liêm ít khi được nhắc đến. Có lẽ đây cũng là lý do khiến những bộ phim liên quan đến Bao Công thường hiếm khi đề cập tới chuyện tình cảm của nhân vật lịch sử này.
Chuyện tình Bao Chửng trên phim ảnh
Ngay cả loạt phim truyền hình nổi tiếng "Bao Thanh Thiên" của Đài Loan sản xuất từ năm 1993 do Kim Siêu Quần thủ vai chính cũng không có chi tiết liên quan đến đời sống tình cảm của ông. Trong thời gian khởi quay phiên bản mới "Bao Thanh Thiên: Thất hiệp ngũ nghĩa" (2010), với vai trò biên kịch, đạo diễn kiêm diễn viên chính, Kim Siêu Quần đã có ý định dàn dựng về đời sống tình cảm của Bao Công khi ông đã về già.
Tạo hình Bao Công của Kim Siêu Quần.
Nam diễn viên cho rằng, chi tiết đó nhằm trả lại sự thực cho lịch sử, bởi trong dân gian từng lưu truyền chuyện Bao Công từng có đến 3 bà vợ. Tuy nhiên, hình ảnh nhân vật Vân Nhi (Từ Dư Nam) trong phim chưa thực sự tô đậm chuyện tình cảm của vi quan thanh liêm này. Thay vào đó là tấm lòng yêu mến của Vân Nhi dành cho Bao Công, cũng như sự hy sinh của cô dành cho vị quan thanh liêm, hết mình vì người dân.
Trong tác phẩm "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên", hình ảnh một người đẹp luôn sát cảnh bên Bao Công là Lăng Sở Sở (Lý Băng Băng) lại chỉ đơn thuần là một nữ hiệp, có sứ mệnh bảo vệ Bao Công, tương tự vị trí của Triển Chiêu sau này.
Video: Cảnh Vân Nhi (Từ Dư Nam) quyết định tự tử để Bao Công giữ chức quan.
"Tình nghịch tam thế duyên" là tác phẩm hiếm hoi đề cập đến chuyện tình cảm của Bao Thanh Thiên. Bộ phim lấy bối cảnh Bắc Tống và những năm 1950 - thời hiện đại, nói về tình yêu 3 kiếp của 2 nhân vật Bao Chửng (Âu Dương Chấn Hoa) và Hàn Sương Sương (Quan Vịnh Hà). Đây là câu chuyện tình kéo dài 1.000 năm. Nữ chính sẽ phải mắc lời nguyền, chết trên vai của người yêu mình 3 lần trong 3 thời đại khác nhau.
Người vợ làm nên thành công của Bao Chửng
Theo văn bia ghi lại, Bao Chửng có 3 người vợ là Trương Thị, Đổng Thị (có con trai Bao Ý) và Tôn Thị (có con trai Bao Thụ). Vợ đầu Trương Thị qua đời sau 1 năm kết hôn với Bao Chửng. Sau đó, ông kết hôn với người vợ hai Đổng Thị. Bà được xem là người vợ đảm đang, góp phần lớn vào thành công của vị quan thanh liêm. Theo ghi chép để lại, Đổng Thị sinh ra trong một gia đình quan thần nhà Tống. Từ nhỏ, bà được học chữ nghĩa, đọc sách thánh hiền và thông tường đạo lý.
Chuyện tình của Bao Công được đề cập trong "Tình nghịch tam thế duyên".
Sau khi kết hôn với Bao Chửng, Đổng Thị từng nói với ông rằng: "Bậc đại trượng phu coi vua là trên hết, trong gia đình đã có thiếp chăm sóc cho song thân. Thiếp sẽ phụng dưỡng phụ mẫu như chính cha mẹ đẻ của mình, chàng cứ yên tâm đi ứng thí".
Nhờ vậy, Bao Chửng quyết định lên kinh thành tham gia khảo thí. Ông đỗ đạt tiến sĩ và được phong làm tri huyện. Tuy nhiên, vì cha mẹ tuổi cao sức yếu nên Bao Chửng không muốn đi xa. Ông đã xin từ quan về nhà chăm sóc cho họ. Việc từ bỏ chức tước, bổng lộc để làm trọn lòng hiếu thảo của Bao Chửng khiến vợ tôn trọng. Đổng Thị hiểu lý tưởng của tướng công và sẵn sàng đồng hành cùng Bao Chửng để hiếu nghĩa với cha mẹ. Năm 1033, Đổng Thị sinh một con người con trai tên là Bao Ý. Khi Bao Ý 19 tuổi, anh kết hôn và sinh ra một cậu con trai. Tuy nhiên, cả Bao Ý và con trai đều qua đời sớm.
Người vợ hai Đổng Thị đóng góp to lớn vào thành công của Bao Chửng.
11 năm sau, cả cha mẹ của Bao Chửng lần lượt qua đời. Lúc đó, ông mới bắt đầu chính thức sự nghiệp làm quan. Trong những năm tháng Bao Chửng theo con đường quan trường, Đổng Thị không chỉ chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho chồng, bà còn là cánh tay đắc lực giúp ông chuyện chính sự.
Không chỉ riêng Đổng Thị, cả cha mẹ bà đều ủng hộ Bao Chửng. Có thể nói, chặng đường của một vị quan thanh liêm như Bao Chửng không thể không nhắc tới công lao to lớn của Đổng Thị. Năm 1068, bà bị bệnh rồi qua đời, sau đó được an táng cùng mộ với Bao Chửng ở thành phố Hợp Phì, tỉnh Anh Huy.
Vợ 3 bị trả về nhà mẹ đẻ
Bao Chửng còn có 1 người vợ lẽ là Tôn Thị. Về sau không hiểu vì lý do gì, bà đã bị ông gửi trả về nhà mẹ đẻ. Khi Tôn Thị về nhà cha mẹ ruột mới phát hiện đã mang thai với Bao Công.
Bao Công nổi tiếng là người nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con.
Năm 1058, Tôn Thị sinh hạ sinh con trai và đặt tên là Bao Đình, sau được người con dâu cả đổi tên là Bao Thụ. Theo ghi chép, Bao Thụ lên 5 tuổi thì Bao Chửng qua đời, một mình con dâu Thôi Thị nuôi em chồng ăn học nên người. Bao Công nổi tiếng là một người rất nghiêm khắc với gia đình. Dưới ảnh hưởng và sự dạy dỗ của cha, các con của ông cũng sống rất giản dị, đúng chuẩn mực. Bao Công từng tuyên bố với các con của ông rằng: "Nếu bất kỳ ai trong các con vi phạm luật lệ, đều không được chôn cất trong lăng mộ của tổ tiên".
Sau này, Bao Thụ cũng là vị quan thanh liêm như cha, sống thanh đạm thủ tiết, yêu dân như con nhưng chán cảnh quan trường nhiễu nhương, anh từ quan về làm ruộng. Bao Thụ từng làm đến các chức quan như Thái tự thái chúc, Quốc tử giám thừa, phán quan ở Hào Châu. Năm 46 tuổi, anh được thăng chức thông phán ở Đàm Châu nhưng lại qua đời khi trên đường đi nhậm chức.
Nguyệt Lương (Theo Sina, 163)